Việc giải quyết kiến nghị cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Chính trị - Ngày đăng : 16:29, 20/10/2021

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ nội dung trên tại Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, trong phiên họp sáng nay (20/10).
giai-quyet-kien-nghi-chua-the-hien-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo

807/807 kiến nghị đã được trả lời

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: tài nguyên, môi trường (90 kiến nghị); chính sách đối với người có công, lao động, việc làm, an sinh xã hội (80 kiến nghị); nông nghiệp, nông dân, nông thôn (58 kiến nghị); tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức (55 kiến nghị); giao thông, vận tải (53 kiến nghị); giáo dục và đào tạo (45 kiến nghị)... Đến nay 807/807 kiến nghị đã được trả lời, đạt 100%.

Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 14/14 kiến nghị. Cử tri tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh Covid - 19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát, cụ thể: tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm, có biện pháp theo dõi tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng thẩm tra, thể hiện rõ quan điểm, đặc biệt chú trọng nội dung các dự án luật còn có ý kiến khác nhau. Quốc hội cũng đã quyết định giám sát tối cao hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giám sát hai chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế; về an sinh xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp và Nhân dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đã trả lời 781/781 kiến nghị. Trong đó: 662 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 35 kiến nghị đã giải quyết xong; 84 kiến nghị đang tiếp tục được xem xét, giải quyết.

Kết quả giám sát cho thấy, đa số các bộ trưởng, trưởng ngành Trung ương đã quan tâm trực tiếp giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri... Một số kiến nghị của cử tri đã được giải quyết và thông tin đầy đủ, được các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Quốc phòng, Công an và Thanh tra Chính phủ đã tích cực, nghiêm túc trả lời các kiến nghị của cử tri đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về một số quy định liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự; về chế độ thù lao đối với Hòa giải viên...

Tăng cường giám sát việc ban hành VBQPPL, những vấn đề mới phát sinh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng nêu rõ, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế như: việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, một số Bộ, ngành Trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; việc phối hợp giữa một số Bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định không thống nhất, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng; một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn…

Trên cơ sở kết quả giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật; chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngọc Mai