Đồng chí Hoàng Văn Thụ: Người con xứ Lạng cả đời son sắt với cách mạng

Đời sống - Ngày đăng : 20:14, 19/10/2021

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những người con của quê hương xứ Lạng, suốt đời kiên trung, bất khuất và một lòng son sắt với cách mạng. Sắp đến lễ kỷ niệm 112 năm Ngày sinh đồng chí, biết bao người dân nơi mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này lại nôn nao tưởng nhớ và luôn muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cố nhân đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Những ngày gần cuối tháng 10, dù không thôi lắng lo khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng trong lòng của biết bao người dân tỉnh Lạng Sơn cũng bất giác vui mừng, phấn khởi hơn bao giờ hết. Bởi, tháng 11 tới đây, vùng đất xứ Lạng “địa linh nhân kiệt” không chỉ được hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831- 04/11/2021), mà còn hứng khởi chào đón lễ kỷ niệm 112 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ.

lang-son.jpg

Tượng đài Đồng chí Hoàng Văn Thụ tại phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Nhìn những tấm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền các hoạt động Kỷ niệm 112 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ được treo trên khắp các nẻo đường, biết bao người con xứ Lạng không tránh khỏi phút giây lắng lòng, tưởng nhớ về cố nhân với những chặng đường lịch sử đầy nét hào hùng, tráng lệ.

Một lòng son sắt với cách mạng

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Từ thuở còn là học sinh, Hoàng Văn Thụ đã cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp-Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn.

Tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu – Nam Ninh, Trung Quốc. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

anh-2-4-.jpg

Khu di tích lưu niệm Đồng chí Hoàng Văn Thụ tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.

Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới xã Thụy Hùng châu Văn Uyên (nay là xã thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ cộng sản ở Thụy Hùng. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư. Chi bộ Đảng Thụy Hùng được thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.

Từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ và đưa nhiều quần chúng trung kiên từ Văn Uyên, Thất Khê sang dự các lớp huấn luyện cách mạng bí mật ở Lũng Nghịu – Long Châu. Các lớp huấn luyện này đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc gây dựng, củng cố phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Tháng 9/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Thông Nông (Cao Bằng) chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh, đồng thời trực tiếp chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Ngày 11/4/1938, đồng chí đã tới xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương), huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.

Từ giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương. Đầu tháng 8/1938, sau gần 2 tháng củng cố phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà (Hải Dương) để củng cố phong trào cách mạng. Cuối tháng 8/1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Xứ uỷ Bắc Kỳ về làng Vũ Di, huyện Vĩnh Tường tổ chức kết nạp các quần chúng trung kiên vào Đảng, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Yên.

Tháng 9/1939, với bí danh là Vân, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới mỏ than Hà Lầm (Quảng Ninh) củng cố các cơ sở trung kiên, động viên, khích lệ, xây dựng và bồi đắp niềm tin đấu tranh cho công nhân mỏ. Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của nhiều tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội. Đến cuối năm 1939, Thành uỷ Hà Nội từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương...

Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn. Hoạt động của Đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Đáng chú ý, khi giữ cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ uỷ lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ. Đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ với bí danh là Lý.

Giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật.

Những ngày tháng gian khổ, hoạt động gần gũi với các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên, hình ảnh anh Lý - người Bí thư Xứ uỷ tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng đã để lại cho cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng, quý mến như đối với người anh em ruột thịt trong gia đình.

Thời điểm phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng.

Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, Đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.

Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, Đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước. Thậm chí, đối mặt kẻ thù trước lúc hy sinh vào rạng sáng ngày 24/5/1944, Đồng chí còn anh dũng nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

Đã nhiều thập niên trôi qua, nhưng những lời nói đanh thép ấy vẫn còn vang vọng mãi trong tim hàng triệu người con đất Việt. Lời nói ấy chính là động lực lớn lao, đã tạo được không khí thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ nhiều thế hệ qua. Cho nên, từ sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, nhất là những người con Xứ Lạng luôn nôn nao tưởng nhớ và mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trang Việt