Họp báo về Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Chính trị - Ngày đăng : 16:31, 19/10/2021

Chiều nay 19/10, đã diễn ra buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì buổi họp báo.
toan-canh.jpg

Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Báo cáo về chương trình kỳ họp thứ 2, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày mai 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 02 đợt:

Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy, 01 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (06 ngày, từ ngày 08/11 đến 13/11/2021). Quốc hội làm việc 01 ngày thứ bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Về nội dung chương trình kỳ họp, ông Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 02 dự án luật, 05 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Quốc hội xem xét, cho ý kiến các dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Theo dự kiến chương trình, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp các nội dung: phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp; các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Chưa thực hiện tăng lương thời điểm hiện nay

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến công tác chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp; việc lùi chương trình cải cách tiền lương; công tác giám sát việc thực hiện công tác phòng chống covid-19 của Quốc hội.

bui-cuong.jpg
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo.

Trả lời câu hỏi về việc kỳ họp này Quốc hội sẽ lựa chọn những vấn những thành viên Chính phủ nào, hay đưa ra các nhóm vấn đề chất vấn các thành viên Chính phủ ra sao, Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết:

Đến thời điểm hiện nay đã có văn bản xin ý kiến gửi 62 đoàn ĐBQH và đã có 54 đoàn, 23 đại biểu gửi đề nghị về. Nội dung chất vấn có 59 vấn đề được đưa ra. Tuy nhiên, lựa chọn các nội dung để chất vấn do Quốc hội quyết định. Kết thúc đợt họp trực tuyến, sẽ tiến hành xin ý kiến các đại biểu Quốc hội quyết định sẽ đưa vấn đề nào ra chất vấn. Ưu tiên những vấn đề mà cử tri quan tâm; không chất vấn những vấn đề đã đưa vào trong nghị quyết. Nên hiện chưa có thông tin chính thức về chất vấn vấn đề gì và thành viên Chính phủ nào trả lời chất vấn, ông Cường cho biết.

Về lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương, ông Bùi Văn Cường cho biết: vừa qua tình hình dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống và ngân sách Nhà nước phải chi rất nhiều cho công tác phòng chống dịch. Nên việc tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 khó đạt được.

Chính vì vậy, Quốc hội sẽ quyết định việc lùi thực hiện chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, những nhóm thu nhập thấp như nhưng người về hưu trước 1995 sẽ được ưu tiên xem xét trước để tăng lương; còn những đối tượng khác sẽ xem xét ở thời điểm thích hợp, ông Cường cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết: Thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh, Ủy ban Xã hội được giao giám sát vấn đề này.

Quá trình thực hiện nghị quyết, Chính phủ áp dụng chủ động, linh hoạt. Chính phủ ban hành trên 100 văn bản liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Các địa phương trong phạm vi thẩm quyền cũng đã ban hành một số văn bản để triển khai thực hiện. Sau này, sẽ có đáng giá tổng kết lại các văn bản này có phù hợp hay không. Hiện nay Chính phủ các bộ ngành chưa có đánh giá về vấn đề này, chưa có tiếp cận để sửa hay xử lý những vấn đề liên quan.

Thời gian qua cũng có những văn bản bất cập ở các địa phương liên quan đến vấn đề này, nhiều địa phương áp dụng có tính chất “cát cứ”. Nguyên nhân gây ra vấn đề này Chính phủ đã nhận rõ và chắc chắn thời gian tới sẽ có những phương án cụ thể để công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế.

Về sắp xếp, sát nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay: việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2019-2021 vừa qua là tiền đề rất quan trọng để tiếp tục thực hiện giại đoạn tiếp theo. Để sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cần có tổng kết đánh giá trước khi tiến hành sáp nhập, tạo sự đồng thuận của địa phương và người dân. UBTVQH sẽ xem xét sau đó báo cáo Quốc hội.

Mai Thoa