Thí điểm mở cửa Phú Quốc: Bài học từ mô hình 'Hộp cát Phuket'
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:30, 18/10/2021
Khởi đầu bất ngờ từ Phuket
Ngày 1/7, giữa lúc đại dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những vị khách mang nhiều quốc tịch Israel, Qatar, Singapore,... trên 11 chuyến bay thuê trọn gói đặt chân tới Phuket, Thái Lan, với tất cả sự háo hức. Nhiều tháng giam chân trong 4 bức tường khiến thế giới đổ dồn mọi ánh nhìn tới Phuket, một trong những nơi thí điểm hộ chiếu vaccine sớm nhất thế giới.
Chỉ trong một thời gian, hòn đảo từng đón hơn 10 triệu du khách mỗi năm cho Thái Lan đã nhận được đơn xin nhập cảnh của gần 8.000 du khách. Điều kiện để được là một trong những người đi du lịch sớm nhất thế giới thời điểm ấy không đơn giản. Ngoài chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, du khách phải lưu trú tại Phuket ít nhất 14 ngày để được tự do du lịch tại các khu vực khác sau đó.
Tổng kết sau 1 tháng, Phuket cho thấy sự khởi đầu tốt khi có gần 15.000 lượt du khách tới Thái Lan. Con số này sau 3 tháng, tăng hơn 2,5 lần, lên gần 39.000 lượt khách đăng kí, với khoản kinh tế đóng góp theo ước tính khoảng 2,25 tỷ baht - một con số đáng kể so với khung cảnh "hòn đảo ma" của chính Phuket trước đó không lâu. Tính đến đầu tháng 10, mô hình này giúp Thái Lan tăng thêm doanh thu khoảng 67 triệu USD cho ngành du lịch.
Là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới chính thức mở cửa du lịch, một vài ý kiến thời điểm ấy đã tỏ ra lo lắng bởi biến chủng mới đã làm tăng nhanh số ca mắc mới tại Thái Lan. Tuy nhiên, cách làm của Phuket theo thời gian đã chứng minh đó là tầm nhìn xa, khi rất nhiều nước sau đó đều xác định không thể đảo ngược thời gian về thời kì "zero Covid".
Điều ấy đồng nghĩa, "sống chung" và mở cửa một cách an toàn là phương án đúng duy nhất. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn, thành công của kế hoạch “hộp cát” là mang tới niềm tin cho người dân Thái Lan, khi chỉ có 0,28% du khách tới đây có kết quả dương tính với Covid và chủ yếu được phát hiện ngay tại sân bay.
Chưa bàn tới hiệu quả kinh tế, những nơi sớm đi trước như Phuket đã có lợi thế lớn. Như Gary Bowerman, Giám đốc hãng nghiên cứu du lịch Check-in Asia từng trả lời CNN, Phutket giúp Thái Lan "kiểm tra khả năng thích ứng của một số sân bay, hệ thống khách sạn cũng như phương thức triển khai hoạt động du lịch trong kỷ nguyên mới".
Đại diện ngành du lịch Thái Lan ngay trong tháng 10 bởi thế đã cho biết sẽ chỉ định thêm khoảng 20 "vùng xanh" ngoài Phuket. Thời gian bắt buộc hoạt động tại nơi lưu trú cũng được giảm từ 14 ngày xuống 7 ngày.
Phú Quốc và chìa khóa "siêu tổ hợp"
Khi Hộp cát Phuket được khởi động, Phil Anthony, người điều hành nền tảng tư vấn du lịch RetreatAdvisor.com, từng gợi ý, Indonesia, Sri Lanka và Việt Nam là những nơi có thể áp dụng thí điểm tương tự. Indonesia cũng đang lên kế hoạch thí điểm “bong bóng du lịch”, cụ thể vào 14/10 sẽ mở cửa trở lại du lịch quốc tế, đón du khách đến từ một số quốc gia có nguy cơ thấp. Singapore sẽ mở rộng thí điểm chiến lược này đối với du khách đến từ 8 quốc gia, bổ sung thêm Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan vào 19/10 này.
Bali của Indonesia sau đó quả thực đã thực hiện thí điểm và hiện tại là Phú Quốc của Việt Nam. Riêng với Phú Quốc, nhìn từ bài học Phuket, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư kí Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, đây là mô hình có nhiều điểm tốt cho Việt Nam, đơn cử như việc yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm hay cấp chứng chỉ an toàn COVID-19 ("SHA Plus" – Amazing Thailand Safety an Health Administration) với các điểm lưu trú với ít nhất 70% nhân sự được tiêm chủng đầy đủ.
Thực tế, Phú Quốc cũng đang đẩy nhanh việc tiêm vaccine trên diện rộng trên toàn thành phố, với không chỉ người dân trên đảo mà còn người lao động tại các điểm lưu trú. Điều này được giới chuyên gia đánh giá cao. Một đợt tiêm chủng có quy mô lớn nhất đã được Phú Quốc triển khai và dự kiến, tới cuối tháng 10, tất cả người dân sinh sống và làm việc tại đây sẽ hoàn thiện 2 mũi vaccine.
Ở hướng ngược lại, Phuket theo ông Chính cũng là bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm tránh và đảm bảo mô hình thí điểm thành công. Một trong những yếu tố quan trọng theo ông là cần đảm bảo cách kiểm soát "vừa chặt chẽ nhưng khách cảm thấy thoải mái, thuận tiện".
Đây chính là vấn đề Thái Lan từng loay hoay, bởi việc khó khăn trong thủ tục nhập cảnh xét nghiệp, đồng thời bị cô lập tại nơi lưu trú khiến nhiều người thấy ngột ngạt. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập cảnh, Kiên Giang xem xét đề xuất các chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm định kỳ và chi phí xuất, nhập cảnh cho du khách khi Phú Quốc mở cửa đón khách quốc tế. "Mặc dù chi phí này có thể không nhiều nhưng nó thể hiện sự thiện chí của tỉnh Kiên Giang trong việc cùng với các doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ đó là xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi lại ngành du lịch của Việt Nam"- ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Riêng về lo lắng “những chuyến du lịch bị cô lập”, theo ông Bùi Đình Dĩnh, Giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội, Phú Quốc đang có lợi thế lớn. Việc yêu cầu khách hoạt động tại nơi lưu trú trong 7 ngày theo ông là hợp lý để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, Phú Quốc khác biệt bởi có những siêu tổ hợp cỡ lớn - nơi du khách thậm chí sẽ muốn được "cô lập" trong thế giới riêng ấy. Ông lấy ví dụ về Phú Quốc United Center, với đầy đủ các dịch vụ từ vui chơi, giải trí, tới mua sắm 24/7 trong một không gian khổng lồ sẽ là nơi để mọi người thỏa sức khám phá trong suốt thời gian nghỉ ngơi tại đây.
Để đạt được mục tiêu kép, vừa chặt chẽ nhưng vẫn thoải mái, chính doanh nghiệp cũng đang vào cuộc. Đại diện Vinpearl cho biết, ngoài việc tuân thủ nghiêm hướng dẫn trong kế hoạch, đơn vị này đã lến kế hoạch bố trí "3 tại chỗ" cho toàn bộ nhân viên phục vụ khách du lịch hộ chiếu vaccine. Các lao động cũng được khoanh vùng các bước sinh hoạt để đảm bảo an toàn cao nhất, theo dõi tất cả lịch trình tiếp xúc của mỗi người, kiểm tra thân nhiệt đầu và cuối ngày làm việc. Ngoài ra, Vinpearl cũng kế hoạch cặn kẽ về phương tiện di chuyển, sử dụng ứng dụng thông minh, cơ sở y tế,... để đón khách an toàn nhưng vẫn tạo cảm thuận tiện cho mọi người.
Từ mô hình đặc biệt của Vinpearl và Phú Quốc United Center, giới chuyên gia và rất nhiều công ty lữ hành đang bày tỏ hi vọng ngay khi mở cửa, Phú Quốc sẽ là điểm đến nóng bậc nhất khu vực, thậm chí thế giới. Nếu làm tốt, nơi đây có thể mô hình mẫu để nhân rộng để tiến tới cấp "thẻ xanh" cho không chỉ khách quốc tế mà cả du khách trong nước, đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.