Hội thảo khoa học Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam

Tòa án - Ngày đăng : 19:09, 18/10/2021

Chiều 18/10, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học Lịch sử TAND Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo.
ht-.jpg

Hội thảo, điểm cầu tại Hà Nội.

Dự hội thảo có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến; các Thẩm phán TANDTC; các đồng chí nguyên là lãnh đạo TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương, các Thẩm phán TANDTC qua các thời kỳ; các chuyên gia, các nhà khoa học lịch sử, khoa học quân sự Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chương trình công tác toàn khóa, Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tổ chức Hội nghị khoa học lịch sử để ra mắt Ban Chỉ đạo nghiên cứu Lịch sử Tòa án nhân dân; kế hoạch nghiên cứu lịch sử và bàn về đề cương Lịch sử TAND.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ được củng cố, trình độ được nâng lên; chất lượng xét xử ngày càng cao; giải quyết ngày càng tốt hơn các vụ việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, hệ thống Tòa án đã không ngừng đổi mới về tổ chức, hoạt động; đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, niềm tin của người dân đối với nền tư pháp tăng lên rõ rệt. Vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý ngày càng được khẳng định và đề cao.

Để ghi nhận và ôn lại truyền thống vẻ vang của TAND chúng ta đã xây dựng và phát hành các tập kỷ yếu ngành TAND qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, hệ thống Tòa án chưa có được một bộ sử chính thống về chặng đường hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành. Các tài liệu này chỉ dừng lại là những ghi chép đơn lẻ, chủ yếu bằng hình ảnh, chưa phản ánh toàn diện quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống TAND. Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu lịch sử TAND là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Chánh án cho biết, ngày 18/01/2018, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, trong đó yêu cầu: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp.

chanh-an.jpg

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo.

Chỉ thị cũng nêu rõ: Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW ngày 30/9/2019 về việc triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW. Hiện nay, nhiều Bộ, Ngành, địa phương cũng đã hoàn thành việc xây dựng lịch sử của mình.

Quá trình xây dựng và phát triển của TAND luôn gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng và sự nghiệp của Đảng. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử Đảng, lịch sử đất nước. Do vậy, việc nghiên cứu, làm rõ và ghi lại lịch sử Tòa án có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nền tư pháp mà còn góp phần hoàn thiện các công trình lịch sử đảng đã và đang được nghiên cứu.

Bộ lịch sử TAND sẽ là một công trình nghiên cứu khoa học có nhiều ý nghĩa quan trọng. Qua đó tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của nền tư pháp nước nhà; khẳng định những cống hiến của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh giá sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án tương lai học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang; góp phần khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia của một dân tộc không chỉ có nền văn hiến lâu đời, hệ thống chính quyền riêng biệt từ trung ương đến cơ sở, mà còn có một nền tư pháp độc lập đã từ ngàn xưa, xét xử theo pháp luật thành văn chứ không phải chỉ theo ý vua, lệ làng.

tran-van-do.jpg

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Với tinh thần đó, Ban cán sự Đảng TANDTC đã quyết định chủ trương nghiên cứu biên soạn cuốn “Lịch sử Tòa án Việt Nam”.

TANDTC cũng đã tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành công trình này trong thời gian sớm nhất; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, liên hệ với Viện Sử học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các nhà khoa học lịch sử, huy động toàn hệ thống tham gia...

Bước đầu đã thu thập được nhiều tư liệu quí, xây dựng đề cương và dự kiến công trình gồm 8 chương tương ứng với các giai đoạn lịch sử của đất nước và tổ chức của hệ thống Tòa án. Trên cơ sở các góp ý tại Hội thảo, Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Đề cương cuốn sách để sớm triển khai việc biên soạn.

Hội thảo cũng đã ra mắt Ban Chỉ đạo nghiên cứu Lịch sử TAND; thảo luận và thông qua kế hoạch nghiên cứu; góp ý vào dự thảo đề cương.

Hội thảo đã nghe PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Phó trưởng Ban biên soạn đề cương Cuốn sách Lịch sử TAND (1945-2020) trình bày Báo cáo khái quát về việc xây dựng cuốn sách.

Các nhà chuyên môn, các nhà khoa học và các cán bộ lão thành của TAND qua các thời kỳ như: PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC; TS Nguyễn Văn Hiện, nguyên Chánh án TANDTC; ông Nguyễn Tâm Khiết, nguyên Chánh Văn phòng TANDTC; đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Chánh án TANDTC; đồng chí Khuất Duy Hiệp, nguyên Chánh Văn phòng TANDTC; đồng chí Mai Ngọc Trinh, nguyên Phó Chánh án TANDTC … đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào đề dự thảo cương để xây dựng cuốn sách.

Các đồng chí đã đóng góp tích cực, tâm huyết, cung cấp thông tin tư liệu quý báu góp phần củng cố nội dung cuốn sách có chất lượng; để việc nghiên cứu, xây dựng cuốn sách đảm bảo tính khoa học, đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam góp ý, lịch sử ngành Tòa án Việt Nam có nhiều nội dung quan trọng; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến nhiều ngành khác như Công an, Kiểm sát, Thanh tra… Vì vậy quá trình nghiên cứu, biên soạn cần chú ý đến những ngành có liên quan đến ngành Tòa án.

Sự ra đời của ngành Tòa án gắn liền với nhiệm vụ của đất nước và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam ngày nay. Bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh đất nước gắn với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án rất quan trọng. Lịch sử gắn với nhiệm vụ Tòa án ra sao từng giai đoạn khác nhau. Những đóng góp cụ thể của Tòa án… cần được nghiên cứu đưa vào.

dang-quang-phuong.jpg

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương phát biểu tại hội thảo.

Kết luận hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lão thành TAND qua các thời kỳ.

Qua phát biểu, các ý kiến đồng tình và đánh giá cao việc xây dựng bộ sách này, phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị, các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tòa án, các nhân chứng lịch sử, các đại biểu tham gia Hội thảo, trong thời gian tới, tiếp tục có sự nghiên cứu, đóng góp đối với việc xây dựng cuốn sách, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và phản ánh đúng sự thật lịch sử phát triển của hệ thống Tòa án.

Đề nghị thường trực Ban biên soạn Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với các chuyên gia khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề cương cuốn sách, sớm hoàn thiện việc biên soạn lịch sử TAND.

Mai Thoa