Tháo gỡ cho ngành hàng cá tra sau giãn cách
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:50, 16/10/2021
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cá tra là ngành hàng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của toàn vùng. Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành hàng cá tra đã rất nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất.
Tuy nhiên, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu bị gián đoạn; nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch; một số nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất; chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong khi nhu cầu từ thị trường thế giới đang tăng cao.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt do đại dịch, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra thích ứng với tình hình mới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực, xử lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng cá tra và từ đó nhân rộng sang các chuỗi nông sản khác.
Tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các DN xây dựng phương án phục hồi sản xuất trong tình hình mới.
Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án hướng dẫn các DN, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra. Trước mắt hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Tổng cục Thủy sản nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin chung toàn vùng, hỗ trợ các địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL và các hiệp hội tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác; tham mưu Bộ đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho địa phương theo nhu cầu.
Các hiệp hội, DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tích cực xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.
Khuyến khích DN ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát việc kiểm tra xét nghiệm COVID, di chuyển ra vào và quản lý trong quá trình sản xuất…