Ủy thác tiếp tục thi hành án yêu cầu giao con cho người mẹ nuôi dưỡng

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 08:57, 16/10/2021

Chi cục THADS TP Thủ Đức vừa có quyết định ủy thác cho Chi cục THADS quận Bình Thạnh tiếp tục thi hành án, yêu cầu người phải thi hành án là ông Lê Nguyễn Hiếu Trung giao con chung cho người mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
anh-1.jpg
anh-2.jpg
Quyết định ủy thác thi hành án của Chi cục THADS TP Thủ Đức

Trước đó, Báo Công lý đã thông tin, vào năm 2016 chị Bùi Ngọc Thi Thơ kết hôn với anh Lê Nguyễn Hiếu Trung trú tại phường 26, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2017, hai người đã sinh hạ được một bé gái đặt tên là L.N.T.

Sau thời gian sinh con, cuộc sống của hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, xung đột đến mức không thể hàn gắn lại được. Đến tháng 9/ 2019, cả hai quyết định gửi đơn ra tòa án để chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.

Tại Quyết định “Công nhận thuận tình ly hôn” số 1101/QĐST-HNGĐ ngày 20/9/2019 của TAND quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức), TP.HCM đã tuyên xử: “Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Bùi Ngọc Thi Thơ và ông Lê Nguyễn Hiếu Trung theo Giấy chứng nhận kết hôn số 33 do UBND phường 1, quận 6 (TP. HCM) cấp ngày 15/7/2016”.

Về phần con chung, hai bên thống nhất giao con chung là cháu L.N.T (SN 2017) cho bà Bùi Ngọc Thi Thơ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Bà Bùi Ngọc Thi Thơ không yêu cầu ông Lê Nguyễn Hiếu Trung cấp dưỡng nuôi con chung”.

Ngoài ra, TAND quận Thủ Đức cũng tuyên xử về tài sản chung hai bên xác định không yêu cầu tòa án giải quyết. Quyết định của TAND quận Thủ Đức có hiệu lực ngay sau khi được ban hành và không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Sự việc tưởng như đã được giải quyết êm xuôi, đường ai nấy đi và không còn bất kỳ sự ràng buộc nào, thế nhưng, trong cuộc sống hằng ngày chị Thơ vẫn bị ông Trung tìm mọi cách để gây khó dễ đối với cuộc sống của hai mẹ con chị.

Đỉnh điểm là đầu tháng 11/2020, chị Bùi Ngọc Thi Thơ đi làm vắng đã gửi bé L.N.T cho ông bà ngoại ở nhà trông nom, thế nhưng ông Trung đã tìm đến nhà nói với ông bà ngoại là đưa bé L.N.T đi chơi một lát rồi sẽ về. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay ông Trung vẫn không đem trả bé L.N.T cho chị Thơ nuôi nấng, chăm sóc.

Trước sự việc trên, chị Thơ đã có đơn yêu cầu Chi cục THADS TP Thủ Đức (TP.HCM) thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Ngày 11/5/2021, Chi cục THADS TP Thủ Đức (TP.HCM) đã ban hành quyết định số 2414/QĐ-CCTHADS cho thi hành án đối với ông Lê Nguyễn Hiếu Trung. Theo đó, ông Trung phải có trách nhiệm giao con chung là cháu L.N.T. (SN 2017) cho bà Bùi Ngọc Thi Thơ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ này nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định trên.

Mặc dù đã có quyết định thi hành án, tuy nhiên, theo phán ánh của chị Bùi Ngọc Thi Thơ, hơn 5 tháng qua, ông Trung vẫn chưa bàn giao con cho chị nuôi dưỡng chăm sóc. “Bản án của Tòa án đã có hiệu lực, bản thân tôi cũng không yêu cầu ông Trung cấp dưỡng nuôi con, nhưng ông Trung không chịu bàn giao và luôn tìm mọi cách trì hoãn quyền nuôi con hợp pháp của người mẹ, khiến cuộc sống sinh hoạt của cháu bị ảnh hưởng”, chị Thơ cho biết.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 13/10, Chi cục THADS TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định số 02/QĐ-CCTHADS về việc ủy thác thi hành án. Theo đó, Chi cục THADS TP Thủ Đức ủy thác cho Chi cục THADS quận Bình Thạnh tiếp tục thi hành án yêu cầu người phải thi hành án là ông Lê Nguyễn Hiếu Trung giao con chung cho người mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Qua theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự) cho biết, trên thực tế, trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, không ít những trường hợp bản án, quyết định có liên quan đến nhiều người phải thi hành án ở những nơi khác nhau, hoặc trong quá trình thi hành án người phải thi hành án chuyển đi nơi khác…đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình thi hành án. Trong trường hợp này, để tăng hiệu quả của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định thì phải tổ chức ủy thác cho cơ quan thi hành án nhận uỷ thác là cơ quan có điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn để thi hành vụ việc, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí của nhà nước và đương sự.

Trong vụ việc trên, trường hợp người phải thi hành án là ông  Lê Nguyễn Hiếu không bàn giao quyền nuôi con cho người mẹ theo quyết định của TAND quận Thủ Đức có dấu hiệu “Không chấp hành án” được quy định tại điều 380, Bộ luật hình sự năm 2015”, luật sư Sơn nhấn mạnh.

Đ. Việt