Bình Dương tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:20, 15/10/2021
Lên phương án đón CN trở lại nhà máy
Có khoảng 80% trong số gần 1,3 triệu CNLĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương là lao động nhập cư, đợt dịch thứ 4 kéo dài nên rất nhiều người đã về quê, có người về tự phát, người đi theo đoàn có tổ chức, ước tính đã có khoảng hơn 100 ngàn người đã về quê. Mặc dù tình hình dịch bệnh đã giảm, song tâm lý của nhiều người vẫn còn lo ngại, chưa sẵn sàng trở lại nhà máy làm việc. Số khác lại không thể trở vào vì phương tiện vận chuyển vẫn chưa hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt (TX Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, việc NLĐ rời Bình Dương trở về quê nên sắp tới nhu cầu nhân lực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ là rất lớn, nguy cơ thiếu hụt nếu các DN tăng tốc sản xuất.
Ông Liêm dẫn chứng tại công ty của mình, hiện chỉ còn khoảng 40% lao động ở lại trong số khoảng 1.000 lao động, trong khi đơn hàng thì khá dồi dào, nhưng nhân lực không có buộc DN phải từ chối một số đối tác. Ông Liêm kiến nghị địa phương, các ngành chức năng phối hợp với DN nên tổ chức những chuyến xe đón CN trở lại Bình Dương làm việc để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng xuất khẩu gỗ tăng mạnh dịp cuối năm. Đồng thời, chính quyền địa phương cần để DN tự quyết định việc hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Tương tự, Công ty TNHH Uchiyama (KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, ông Nguyễn Viết Xiêm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết, trở về trạng thái bình thường mới, DN cần tuyển khoảng 400 CNLĐ, ngoài để bù đắp cho số lượng CN đã về quê, thì công ty cần thêm lao động để đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng. “Những ngày này, DN chủ động đăng tuyển dụng trên các kênh như facebook, liên lạc với nhân viên cũ hoặc nhờ nhân viên trong công ty giới thiệu (có thưởng nếu giới thiệu thành công). Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá là khó khăn”, ông Xiêm nói.
Tạo điều kiện tốt nhất cho DN
Tại Bình Dương, dự kiến trong thời gian tới, các DN sẽ đẩy mạnh hơn nữa công suất hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo lại số lượng sản phẩm, đơn hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng hoạt động sản xuất sẽ tăng trở lại, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc TTGTVL tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, DN bắt đầu hồi phục sản xuất kinh doanh, dự kiến nguồn cầu cần khoảng 50.000 lao động để đáp ứng sản xuất. Tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm nguồn cung chỉ đáp ứng từ 5-10% nhu cầu tuyển dụng.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN trở lại hoạt động sản xuất, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho CN. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, khi NLĐ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được đi lại làm việc tự do mà không cần phải có giấy xét nghiệm, còn việc xét nghiệm tại DN thì vẫn thực hiện. Điều đáng mừng là hiện Sở Công thương đang làm đầu mối cung cấp que test với mức giá rất tốt cho DN là 64.800 đồng/test. Nếu test mẫu "gộp 3" và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi CN sẽ dưới 10.000 đồng/ngày. Khi tỉ lệ CN được tiêm 2 mũi tăng lên thì chi phí test sẽ tiếp tục giảm, vì những người này chỉ phải test 7 ngày/lần. Đồng thời, cho phép DN sau khi test xong tự cấp giấy xét nghiệm cho NLĐ luôn. “Việc một số tỉnh lân cận với Bình Dương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm do cơ sở y tế cấp, lãnh đạo tỉnh sẽ tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Toàn nói.
Chủ động kết nối liên kết lao động với các địa phương
Ngay sau khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái "bình thường mới", ngoài kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, TTGTVL tỉnh Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ song song cùng với sàn giao dịch việc làm online, cải tiến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo các phòng gặp mặt trực tuyến giữa DN và người tìm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn nhân lực trong điều kiện dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.