Từ thiện sao cho “từ tâm” ?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 13:08, 18/10/2021
Dù ở thời đại nào thì việc hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cũng luôn là hoạt động xã hội có ý nghĩa nhân đạo mà con người hướng tới. Bởi vậy nên hoạt động từ thiện ngày càng phổ biến, thu hút nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện và các tổ chức tham gia,... mang lại những tác động tích cực cả về vật chất và tinh thần cho các đối tượng được nhận hỗ trợ. Đồng thời góp phần giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội.
Gắn “cái mác” từ thiện để trục lợi cá nhân
Câu chuyện nào cũng có mặt trái của nó. Từ thiện cũng vậy, không phải lúc nào cũng đơn giản và ấm lòng. Đặc biệt là trong thời đại 4.0, môi trường mạng xã hội phổ biến nhưng cũng khó kiểm soát. Bên cạnh những mặt tốt mang lại hiệu quả cao cho việc từ thiện bởi sự kết nối cộng đồng của nó, thì mạng xã hội cũng trở thành “một mảnh đất màu mỡ”- nơi các tài khoản mạo danh, lợi dụng để trục lợi cá nhân.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả “lòng tốt bị đặt sai chỗ”. Hiện nay, nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội, với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.
Là người tạo dựng và điều hành nhiều trang fanpage Facebook từ tháng 9/2020 như: "Hỗ trợ trẻ em", "Quỹ bảo trợ trẻ em", "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam" , "Quan thế âm bồ tát", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương","Phật tại tâm"..., Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) đã thu về cho mình tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng. Đối tượng này đã đăng hàng nghìn bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo,... để đánh vào tâm lý đồng cảm, thương người của cộng đồng mạng. Tuy nhiên khi các nhà hảo tâm gửi tiền đến tài khoản ngân hàng cá nhân của Lâm để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn thì Lâm đã sử dụng vào mục đích cá nhân chứ không có bất kỳ một hoạt động từ thiện nào.
Hay mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố và tạm giam đối với Cao Thị Hoài (23 tuổi, trú tại xóm 8, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cũng giống như Trần Văn Lâm, Cao Thị Hoài lập tài khoản Facebook “Trần Mai Thu Thảo” (sau đổi tên thành Mai Mai) kêu gọi mọi người quyên góp tiền để mua đất, mua vật tư phục vụ việc mai táng cho những thai nhi xấu số. Để tăng niềm tin, lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm, Cao Thị Hoài tự giới thiệu bản thân đang làm việc tại phòng khám và điều trị “Tâm an đường”; đặt slogan của Facebook Mai Mai là “Bảo vệ mạng sống cho các con”.
Cao Thị Hoài vào những trang fanpage, facebook của những người đang làm thiện nguyện, lựa chọn hình ảnh thương tâm về những thai nhi xấu số không được làm người rồi sao chép về facebook Mai Mai. Thi thoảng, Facebook Mai Mai lại đưa những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để mọi người nhầm tưởng đó là sự thật. Theo đó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, Cao Thị Hoài đã chiếm đoạt tài sản của 688 nhà hảo tâm với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng.
Từ thiện phải “từ tâm”
Mạng xã hội thời gian gần đây luôn rầm rộ với những vụ việc thiện nguyện liên quan đến cụm từ “sao kê”. Sự thiếu minh bạch trong thu - chi tiền từ thiện của người kêu gọi quyên góp chính là vấn đề đang “dậy sóng” truyền thông trong thời gian gần đây. Đặc biệt, những người đứng ra kêu gọi đều là những nghệ sĩ lớn, có tiếng tăm trong giới giải trí. Do đó sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong hoạt động này đã khiến cho lòng tin của nhiều người bị lung lay,...
Từ thiện ngày càng phổ biến, hoạt động từ thiện được thực hiện dưới nhiều hình thức, quy mô. Bởi thế, hằng năm, cứ đến mùa lũ lụt, hạn hán hoặc lễ tết, lại tấp nập người chia sẻ thông tin quyên góp từ thiện.
Hiện nay, các vụ việc liên quan đến hoạt động từ thiện lớn đã Bộ Công an giao cho Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các ngân hàng để rà soát, xác định tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.
Những vụ từ thiện trá hình không chỉ gây thiệt hại về tiền của, thời gian của những nhà hảo tâm, mà sau những vụ việc như trên, niềm tin về lòng tốt trong xã hội chẳng những không được bồi đắp, mà còn mai một dần. Đây cũng là một thực trạng đáng buồn, đáng lên án hiện nay. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người muốn quyên góp từ thiện nên cân nhắc, lựa chọn trao gửi ở những cá nhân, tổ chức uy tín.
Đối với những cá nhân, tổ chức đã đứng ra tổ chức việc quyên góp từ thiện thì cần phải làm việc bằng một cái tâm trong sáng. Bởi từ thiện phải từ tâm. Thường xuyên cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác về hoạt động từ thiện để những nhà hảo tâm, những người đã đóng góp vào quỹ đó biết được là việc làm của mình có ý nghĩa và mang lại giá trị. Đặc biệt là cần minh bạch trong thu - chi tiền từ thiện.
Đối với người tham gia đóng góp từ thiện, khi đã quyên góp từ thiện cho 1 dự án của một tổ chức nào đó, bạn nên thường xuyên cập nhật thông tin để biết rõ hơn về tình hình cung như số tiền và các vật phẩm ủng hộ của bạn đã được trao đến tay của những ai và đã mang đến những kết quả nào.
Trường hợp người quản lý dự án không cung cấp những thông tin này cho bạn, hãy tự đặt câu hỏi với họ để tìm hiểu vấn đề. Một hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của bạn, để việc từ thiện đúng nghĩa từ tâm.