Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy do đại dịch covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 19:15, 12/10/2021
Dịch Covid-19 còn khiến nhiều người không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. Trong quý III, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468.900 người so với quý trước; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người.
Tại báo cáo, Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.300 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm là 4,46%, lần lượt tăng 1,86 điểm phần trăm và tăng 1,74 điểm phần trăm.
Trong khi đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở quý này là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,98%, trong khi con số thông thường chỉ khoảng 2%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động thiếu việc làm là hơn 1,3 triệu người, tăng 187.200 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người, tăng 126.500 người.
Bên cạnh đó, thu nhập người lao động tiếp tục giảm. Tại quý III thu nhập bình quân là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động.
Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng.
Như vậy, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906.000 đồng, tương ứng giảm 13,5%.
Trong đó, lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước.
Ngược lại, lao động ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, chủ yếu do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động. Tuy nhiên, đến quý III, thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340.000 đồng, tương ứng giảm 9,2%.
Tính chung 9 tháng, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Lao động nam có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng, cao gấp 1,42 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (4,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn 1,41 lần thu nhập bình quân lao động ở khu vực nông thôn (7,2 triệu đồng so với 5,1 triệu).