Vụ tiêu hủy đàn chó của người về quê: Chưa thấu tình đạt lý

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:09, 11/10/2021

Xung quanh việc tiêu hủy đàn chó của một gia đình đang cách ly bị Trạm y tế xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), các chuyên gia pháp lý cho rằng hiện nay chưa có quy định nào về việc xử lý, tiêu hủy chó mèo do dịch bệnh COVID-19. Bởi vậy, việc tiêu hủy cả đàn chó mèo, của người về quê chưa thấu tính đạt lý.

Tiêu hủy đàn chó vì lo ngại lây bệnh

Việc lực lượng chức năng ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tiêu hủy đàn chó của gia đình ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi) khi ông này từ Long An về Cà Mau chở theo đàn chó gồm 4 con chó lớn và 11 chó con tránh dịch nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

tieu-huy-dan-cho-meo.jpg
Đàn chó của ông Hùng trên đường về quê đã bị tiêu hủy

Sau khi báo chí phản ánh thông tin, chiều 10/10, UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin cụ thể việc tiêu hủy chó, mèo tại khu cách ly tập trung.

Báo cáo của UBND xã Khánh Hưng cho biết: vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 8/10, Trung tâm Chỉ huy xã có tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch (trong đó có vợ chồng chủ 15 con chó và 1 con mèo) vào khu cách ly tập trung Trường THPT Khánh Hưng. Khi tiếp nhận, Ban điều hành khu cách ly xã tiến hành lấy mẫu test nhanh, đồng thời lấy mẫu PCR đối với 7 người nêu trên.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy mẫu 7 người này không có người quản lý để chó, mèo chạy rong trong khu cách ly nên những người trong khu cách ly phản ứng, không đồng tình do làm ảnh hưởng vệ sinh, nguy hiểm đến những người xung quanh và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sau khi test nhanh kháng nguyên kết quả có 4 người dương tính, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tách riêng cho 5 người trong hộ gia đình (trong đó có trẻ em 8 tuổi) ở riêng 1 phòng, 2 người còn lại ở riêng 1 phòng chờ kết quả PCR.

Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR, các dây buộc chó, mèo không đảm bảo dẫn đến chó, mèo tiếp tục chạy trong khu cách ly, Ban điều hành đã yêu cầu người nuôi quản lý để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sau đó, người nhận nuôi, quản lý chó, mèo tự bắt bỏ vào bao và rổ nhựa (4 chó lớn, còn lại 11 con chó nhỏ và 1 con mèo bỏ rổ nhựa) để bên ngoài phòng cách ly. Đến 14h40 ngày 9/10 có kết quả RT-PCR dương tính cả 5 người và được ngành chức năng đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời đúng theo quy định.

Người dân tiếp tục phản ánh yêu cầu gia đình người nhận nuôi chó, mèo quản lý đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng từ đêm 8/10 đến sáng 9/10 gia đình người nuôi chó, mèo không quản lý được như yêu cầu, còn để chó chạy rong trong khu cách ly, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Do bức xúc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong khu cách ly tập trung vừa phải lo lắng sắp xếp bố trí nơi ăn nghỉ, chăm sóc y tế, đồng thời chủ nhận nuôi chó, mèo đều dương tính với SARS-CoV-2, những người trong khu cách ly và bà con nhân dân ngoài khu vực xung quanh gây áp lực với Ban điều hành khu cách ly về việc lo ngại lây lan bệnh.

Ban điều hành tiến hành làm biên bản tiêu hủy 15 con chó, 1 con mèo phía trước ngoài khu cách ly trước sự chứng kiến của người dân phía ngoài khu cách ly và những người trong khu cách ly.

Thiếu cơ sở pháp lý

Nói về cơ sở pháp lý trong việc tiêu hủy đàn chó, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, hiện nay chưa có quy định nào về việc xử lý, tiêu hủy chó mèo do dịch bệnh COVID-19. Để có căn cứ, người có thẩm quyền phải chứng minh được chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm thì mới áp dụng biện pháp tiêu hủy được.

Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự nêu quan điểm: Tại khoản 1, Điều 38 Luật Thú y năm 2015 quy định động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu như: Có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi xuất phát cấp; động vật phải khỏe mạnh, sản phẩm động vật bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; không làm lây lan dịch bệnh động vật, không gây hại đến sức khỏe con người. Nếu trường hợp không có giấy kiểm dịch thì cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

Mặt khác, tại Điều 6 Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

“Như vậy, nếu có hành vi vi phạm, chủ đàn chó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Việc tiêu hủy là vội vàng và chưa thấu tình đạt lý” luật sư Sơn bày tỏ

Đồng tình quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, chó và mèo nằm trong số những động vật từng được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19. Vì vậy, hai vật nuôi này thuộc nhóm động vật mẫn cảm với dịch bệnh.

Điều 6 Nghị định 90/2017 có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh qua vùng có dịch bệnh mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

Trong khi đó, Điều 12 Nghị định 117/2020 cũng quy định phạt tiền 20-30 triệu đồng với hành vi đưa ra khỏi vùng dịch thuộc nhóm A những hàng hóa có khả năng lây truyền dịch bệnh. Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính những người chở chó, mèo ra khỏi vùng dịch. Còn đối với vật nuôi, chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Trong sự việc trên, nếu không xác định được số con chó, mèo trên dương tính với Covid - 19 hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ, chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường cho biết thêm, động vật, vật nuôi là tài sản. Việc xử lý vi phạm, thu giữ vật nuôi phải đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định. Nếu cá nhân thu giữ, tiêu hủy tài sản của công dân trái quy định pháp luật thì người vi phạm tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đ. Việt