Ông Vương Đình Huệ: Quốc hội bây giờ không có chuyện “bắc nước sôi chờ gạo người”

Chính trị - Ngày đăng : 15:24, 09/10/2021

“Bây giờ, Quốc hội không có chuyện ngồi chờ, không “bắc nước sôi chờ gạo người”, mà chủ động vào cuộc, nghiên cứu từ sớm, từ xa để thống nhất với Chính phủ, hoặc chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
ong-vuong-dinh-hue-quoc-hoi-bay-gio-khong-co-chuyen-bac-nuoc-cho-gao-nguoi.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Sáng 9/10, tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến với cử tri 21 xã, thị trấn của huyện.

Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên…

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn cử tri huyện Tiên Lãng đã theo dõi sát sao hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố và đóng góp nhiều ý kiến sâu sát, tâm huyết.

Phải có chiến lược tổng thể thích ứng an toàn với dịch

Trao đổi về một số kiến nghị của cử tri về việc phải thống nhất trong công tác phòng, chống dịch, thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận và quyết định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn với đại dịch Covid – 19. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, cầu thị, khách quan như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt “không bôi đen nhưng cũng không được phép tô hồng”, tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, có các quyết sách cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về vấn đề này.

Nhắc lại những quan điểm, chủ trương, chỉ đạo hết sức đúng đắn của Trung ương trong từng giai đoạn bùng phát của dịch Covid – 19 từ năm 2020 đến nay, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của cử tri về việc phải có chiến lược tổng thể ứng phó với đại dịch, thích ứng an toàn với dịch. Theo Chủ tịch Quốc hội, chiến lược tổng thể này phải đồng bộ, bài bản, khoa học, nhất quán từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở các dữ liệu khoa học, nhất là dữ liệu về dịch tễ; đồng thời phải bảo đảm chỉ đạo thống nhất, “dọc - ngang thông suốt”, nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Trung ương cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch phải dự báo được tình hình, có các kịch bản phương án để chủ động có giải pháp ứng phó theo phương châm “đi trước một bước”.

Tại Hội nghị vừa qua, Trung ương đã bàn và thống nhất tiếp tục thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn với dịch bệnh, sản xuất an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó, điều kiện tiên quyết là phải bao phủ được vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự kiến trong những tháng cuối năm nay, số lượng vaccine được huy động từ tất cả các nguồn mua, viện trợ sẽ tăng nhiều nên tiến độ bao phủ vaccine chắc chắn sẽ nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong đó, Hải Phòng với vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước cũng sẽ được tăng thêm lượng vaccine để góp phần bảo đảm an toàn cho người dân và bảo vệ sản xuất.

Cùng với đó, Quốc hội cũng đang yêu cầu các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế mà còn phải xem xét, đánh giá các vấn đề xã hội, y tế, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần... của người dân.

Chia sẻ về những tác động của đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài về mặt xã hội, Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo với cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tổ chức hội nghị toàn quốc về văn hóa, xã hội trong tháng 11 tới. Hội nghị này cũng nhằm thực hiện quan điểm của Đảng ta về coi trọng xây dựng, phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế.

Tiếp tục có các giải pháp nào hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Ghi nhận các kiến nghị của cử tri về việc cần có thêm các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid – 19, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong tuần tới sẽ trực tiếp làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để bàn cụ thể cần tiếp tục có các giải pháp nào hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; xem xét thiết kế gói chính sách tổng thể vừa hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội vừa kích thích nền kinh tế phục hồi. “Bây giờ, Quốc hội không có chuyện ngồi chờ, không có bắc nước sôi chờ gạo người đâu mà chủ động vào cuộc, nghiên cứu từ sớm, từ xa để thống nhất với Chính phủ. Có những vấn đề qua nghiên cứu, qua tiếp nhận thông tin từ các kênh chúng tôi thấy cần thiết, cấp bách mà Chính phủ chưa trình thì Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ trình, hoặc chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, kiểm soát để không một cá nhân, tổ chức nào có thể trục lợi từ công tác phòng, chống dịch, xét nghiệm Covid – 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tới đây tiến hành kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid – 19, mua sắm, giá cả vật tư y tế, thiết bị y tế như thế nào để bảo đảm minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, nhất trí với cử tri cần tăng cường quản lý, có các cảnh báo, hướng dẫn sớm của cơ quan quản lý nhà nước để tránh xảy ra tiêu cực, sai phạm trong vấn đề này.

Sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng

Đối với kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là một trong những nội dung đã hứa với cử tri Hải Phòng khi ứng cử. Đến nay, dự án Luật đã được đưa vào chương trình lập pháp năm 2022, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba và thông qua theo quy trình tại 2 Kỳ họp. Rất nhiều công việc liên quan đến dự luật này đã được triển khai thực hiện như tổng kết thi hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật Đất đai năm 2013, dự kiến các nội dung cần tập trung sửa đổi, hoàn thiện… Tuy nhiên, đây là dự án Luật quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp và đối tượng tác động rất lớn nên việc sửa đổi phải được tiến hành thận trọng, tham vấn ý kiến rộng rãi để bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Cùng với đó, thực hiện lời hứa với cử tri Hải Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội TP cũng đã phối hợp với Thành phố triển khai chuẩn bị và tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng. Liên quan đến Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, theo tinh thần của Luật này sẽ không có quy hoạch ngành thủy sản riêng rẽ mà phải nằm trong trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các quy hoạch tổng thể ở các địa phương còn rất chậm. Chính vì vậy, Quốc hội đã quyết định sẽ tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực thi Luật Quy hoạch để thúc đẩy vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Lãnh đạo TP Hải Phòng tiếp thu kiến nghị của cử tri, rà soát việc triển khai dự án quai đê lấn biển tại khu vực ven biển huyện Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội phía Đông Nam huyện, kết hợp với xây dựng các công trình quốc phòng - an ninh tuyến biên giới biển.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận và làm rõ nhiều vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến phát triển kinh tế biển đảo, công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường nông thôn; giải quyết vấn đề nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn; chế độ chính sách đối với người có công, cán bộ xã, thôn…

Ngọc Mai