Những “chiến sĩ thầm lặng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 21:00, 08/10/2021
Chia sẻ về trường hợp cụ thể được nhóm tư vấn, PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Lan kể: “ Chị D, 35 tuổi là người nhiễm Covid-19, ở quận Tân Phú, vừa sinh con được 5 ngày tại bệnh viện X. Đến ngày thứ 7 (ngày 15/9) thì chị nhận được tin chồng mất do Covid, và đã đưa đi hỏa táng. Hiện chị đã xuất viện về, tình trạng hiện tại đã âm tính, nhưng phải cách ly với con. Con nhỏ đang được gửi sang cho em gái ruột. Chị D còn một con trai lớn 10 tuổi đang ở cùng bà ngoại. Hằng ngày chị vẫn gọi video gặp mặt các con, khoảng 1 tuần nay chị không ngủ được, mỗi đêm cứ nằm khóc. Bác sĩ theo dõi yêu cầu chị cần gặp nhân viên tư vấn tâm lý vì lo lắng chị sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh hoặc khủng hoảng do mất người thân”.
“Trong trường hợp chị D, nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) của đường dây nóng SWAN đã thực hiện: sơ cứu tâm lý ban đầu bao gồm chia sẻ và trấn an cảm xúc cho chị D, quan tâm đến tình trạng sức khỏe hiện tại và những mối quan tâm của chị D. NVCTXH đã kết nối chị với mạnh thường quân để nhận được sữa cho con nhỏ của chị. NVCTXH đã hỗ trợ kết nối với chuyên gia để hướng dẫn thêm các cách thư giãn, hít thở để giúp chị D giảm đi thời gian mất ngủ, khuyến khích chị duy trì cảm xúc và kết nối với gia đình: mẹ ruột, hai người con và em gái. Và tổng đài SWAN luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận cuộc gọi chia sẻ từ chị. Trong trường hợp chị không đủ chi phí gọi lên tổng đài, chúng tôi có số Zalo để chị có thể gọi và chia sẻ. Ngoài ra chúng tôi duy trì việc kết nối với bác sĩ để nắm rõ tình hình sức khỏe của chị như thế nào cũng như cập nhật tình trạng sức khỏe tinh thần của chị”
“Nhân viên” là các phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ, cử nhân và sinh viên…
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là an sinh của người dân. Nhiều người lao động bị mất việc và suy giảm việc làm cũng như thu nhập do doanh nghiệp dừng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều học sinh - sinh viên, nhất là các em mới vào lớp 1 không kịp chuẩn bị điều kiện học tập để kịp thời thích ứng với việc học trực tuyến. Tình trạng căng thẳng, stress ngày càng tăng cao ở hầu hết cộng đồng dân cư do giãn cách xã hội và thiếu điều kiện vui chơi, giải trí tại chỗ…
Hệ quả khó tránh của các biện pháp giãn cách xã hội còn tác động đến việc đi lại, làm chậm trễ hoặc gián đoạn hệ thống cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội không chỉ của nhà nước mà các nguồn lực xã hội có sẵn khác trước đó. Có thể nói, thời gian dài giãn cách xã hội và tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, trị bệnh dịch cũng làm hao kiệt nguồn lực, hạn chế từ cả nguồn cung ứng nhu yếu phẩm liên quan đến nhu cầu ăn uống, an toàn sức khỏe, an toàn việc làm…là các nhu cầu căn bản của con người cho đến các nhu cầu khác như gắn bó, gần gũi, tình cảm, an toàn tâm lý, phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh là một thách thức đối với người dân lao động tự do, nhóm dân cư ít có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin, dễ bị tổn thương…
Nhận thấy “Sức khỏe tinh thần” là vô cùng quan trọng, việc hỗ trợ tâm lý xã hội trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân mắc Covid-19 và gia đình là vô cùng cần thiết. Với tiêu chí cùng nhau chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chung sức cùng cộng đồng vượt qua đại dịch và lâu dài hơn là đáp ứng nhu cầu của những nhóm người yếu thế thì “Nhóm hành động Công tác xã hội” đã được thành lập.
Bắt đầu từ ngày 05/9/2021, Nhóm Hành động Công tác xã hội (tên viết tắt tiếng Anh là SWAN) đã chính thức triển khai hoạt động đường dây hotline 1900 6367 00 nhằm hỗ trợ tâm lý ban đầu đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cũng qua đường dây tư vấn, SWAN cung cấp thông tin chính thống liên quan đến chính sách phòng chống dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kiến thức cơ bản nhằm phòng ngừa lây nhiễm và tự chăm sóc tại nhà đối với F0 và người thân theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
SWAN hoạt động hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, phi lợi nhuận, không tiếp nhận cũng như không trao các khoản tài trợ cho người dân. Nhóm giữ vai trò tư vấn giải pháp bền vững, kết nối và chuyển gửi nguồn lực sẵn có trong cộng đồng đến người dân có nhu cầu. Nhóm trao quyền tự quyết cho người có nhu cầu và người có khả năng đáp ứng nhu cầu.
Những “Nhân viên” đặc biệt của nhóm bao gồm các phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và Nhân văn tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, nhóm cũng có nhà thực hành chuyên nghiệp làm công tác thực hành thực tiễn tại các cơ sở trợ giúp xã hội, tại cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Nhóm cũng có các thành viên là học viên, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Quan trọng và rất vui mừng cho nhóm là nhóm đã thực hiện giới thiệu, kết nối nguồn lực xã hội sẵn có cho người dân có nhu cầu khi liên hệ qua đường dây. Các chuyên gia, Cộng tác viên của đường dây sau khi tiếp nhận cuộc gọi sẽ thực hiện sơ cứu tâm lý ban đầu như lắng nghe, đón nhận, sẻ chia, động viên, khuyến khích… nhằm giúp người dân tăng cảm xúc tích cực và động lực vượt qua khó khăn, mất mát do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tất các các thành viên trong nhóm luôn quyết tâm và cố gắng hết sức mình, đã hỗ trợ thì các dịch vụ phải đến tận tay và có thể giúp họ giải quyết những khó khăn. Niềm vui và tự hào của nhóm là một khách hàng nhiễm HIV đang trong khu cách ly nhận được thuốc ARV, đó là một nhóm hộ gia đình tiếp cận được nhu yếu phẩm.
Tình người trong đại dịch
Cùng với biết bao tấm gương đang lăn xả giữa những ngày nóng bức không chỉ vì thời tiết mà sức nóng của cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra từng phút, từng giờ ở các tỉnh thành dọc miền đất nước. Chúng ta thấy nhiều hình ảnh của đội ngũ y bác sỹ, công an, bộ đội, tình nguyện viên,…trên báo đài, mạng xã hội để thấy rằng toàn dân Việt Nam đang chung sức một lòng trong cuộc chiến cam go. Và hình ảnh của một đội ngũ đang âm thầm ngày đêm tham gia vào cuộc chiến chống dịch, đó là các “Nhân viên Công tác xã hội” - Những “Nhân viên” đặc biệt bao gồm các phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ…
PGS.TS. Bùi Thị Xuân Mai chia sẻ với PV báo Công lý: “Sau mỗi ca tham vấn, tôi và nhóm nhận được là những lời cảm ơn, những tin nhắn cảm ơn dù ngắn ngủi. Những sự chia sẻ này là động lực rất lớn tiếp thêm năng lượng để nhóm cố gắng hỗ trợ. Với những kết quả đạt được ban đầu chính là động lực mạnh mẽ để SWAN tiếp tục đồng hành, trợ giúp cho người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 hiện nay và người có hoàn cảnh khó khăn khác trong thời gian tới.”
Sau hơn 01 tháng triển khai hoạt động đường dây hotline 1900 6367 00, SWAN đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi trong đó có trợ giúp tâm lý, xử lý ca về chính sách, kết nối nguồn lực xã hội cho nhiều khách hàng cá nhân (là người gọi trực tiếp lên đường dây), tư vấn giải pháp tài trợ bền vững cho 01 doanh nghiệp với gói tài trợ 700 triệu đồng, kết nối cung cấp gói an sinh, nhu yếu phẩm cho gần 100 phòng trọ, hộ dân và 30 em học sinh nhận được máy tính bảng để học online. Những trang cung cấp thông tin của nhóm cũng thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia.
Phần lớn các ca gọi lên cần hỗ trợ liên quan tới các thông tin, thủ tục và giải quyết chính sách. Với các câu hỏi: Tôi là lao động tự do, gia cảnh khó khăn, vậy tại sao cả 2 đợt hỗ trợ tôi ko nhận được gói an sinh nào? Cả hai vợ chồng tôi đang đi làm nhưng thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách trong khi điện nước tiền thuê nhà tiền sinh hoạt không thể cắt giảm hơn được nữa, xoay xở chật vật còn hơn lao động tự do, vậy tại sao tôi ko được hưởng chính sách? Tôi F0 có HIV nằm bệnh viện dã chiến mà hết thuốc ARV không xoay xở được, lo quá giờ biết làm sao? Người nhà em F0 nằm cấp cứu, em mấy hôm nay không thể nào ngủ được, lúc nào cũng lo lắng căng thẳng giờ biết phải làm sao... Vô vàn tình huống khác nhau đã được nhóm tư vấn và liên hệ, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, một số thành viên SWAN đã cùng với chuyên gia của tổ chức UNICEF và Câu lạc bộ CTXH Chuyên nghiệp TPHCM phối hợp tổ chức Tọa đàm có chủ đề: Thực hành, thực tập Công tác xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19: Các mô hình triển khai, công tác kiểm huấn, ứng dụng công nghệ và nguyên tắc đạo đức. Đây là một trong những hoạt động của nhóm. Tọa đàm là diễn đàn trao đổi, chia sẻ các mô hình, sáng kiến, giải pháp của các cơ sở đào tạo CTXH, cơ sở tiếp nhận sinh viên thực hành CTXH trong nước và ngoài nước. Ngoài các hoạt động này, Nhóm SWAN đã tổ chức 2 Tọa đàm liên quan đến triển khai thực hành thực tập trong bối cảnh Covid-19, tập huấn chuyên sâu cho 168 tình nguyện viên hiểu về Covid-19 và cách thức phòng ngừa hiệu quả, sơ cứu tâm lý ban đầu, kết nối dịch vụ xã hội sẵn có…
“Nhóm hành động Công tác xã hội” vừa hỗ trợ tâm lý, vừa là cầu nối các nguồn lực như vật chất (nhu yếu phẩm, máy tính bảng…vv) của các mạnh thường quân hay các dịch vụ tới những người cần giúp đỡ là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng yếu thế và những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với những gì đã và đang làm, thật trân quý những giá trị đạo đức mà nhóm đã đóng góp – một nghĩa tình và nhân văn của người làm công tác chuyên môn Việt trong đại dịch!