IMF: Lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm 2021

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:04, 08/10/2021

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát giá tiêu dùng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay và giảm xuống mức trước đại dịch vào giữa năm 2022, nhưng rủi ro lạm phát vẫn có thể tăng do thiếu hụt nguồn cung kéo dài.

Trong một chương của báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới được IMF thực hiện, IMF dự báo, tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh ở mức 3,6% vào những tháng cuối năm 2021 và giảm về mức khoảng 2% vào giữa năm 2022. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ chứng kiến lạm phát giảm xuống khoảng 4% vào năm 2022 sau khi đạt đỉnh 6,8% vào cuối năm nay.

lam-phat-dat-dinh-2021.jpg
IMF: Lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm 2021

Trong đó, giá nhà ở tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào kéo dài ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển, đồng thời áp lực giá lương thực kéo dài và tiền tệ mất giá ở các thị trường mới nổi có thể khiến lạm phát tăng cao hơn”.

Giá cả trên toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 khi các nền kinh tế lần lượt dần nối lại hoạt động sau thời gian gián đoạn vì tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Giá lương thực toàn cầu đã tăng 40% kể từ khi đại dịch bắt đầu đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các nước thu nhập thấp.

Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo, vẫn có điểm chưa chắc chắn và các chính phủ cần cảnh giác trước nguy cơ lạm phát có thể là vô hại khi xem xét riêng lẻ nhưng khi kết hợp sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự báo.

IMF cho biết, kỳ vọng lạm phát có xu hướng được duy trì ổn định ở các quốc gia có các ngân hàng trung ương độc lập có chính sách tiền tệ đáng tin cậy và được truyền đạt thông tin tốt. Lạm phát gia tăng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, thường đi kèm với việc tiền tệ mất giá mạnh; trong khi ở các nền kinh tế phát triển thường bị thâm hụt tài khóa lớn. IMF phát đi cảnh báo rằng, nguy cơ lạm phát sẽ không chỉ xảy ra nhất thời và hối thúc các ngân hàng trung ương phải có hành động sớm.

Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, lạm phát là một trong những trở ngại trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19, và đây là lý do khiến IMF điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Trang Nhi