Hà Nội những tháng năm lịch sử
Đời sống - Ngày đăng : 14:01, 06/10/2021
Trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, ngày Giải phóng Thủ đô càng mang ý nghĩa lớn lao hơn về khát vọng của một sự “giải phóng” mới: Ngày Hà Nội và toàn đất nước chiến thắng đại dịch.
Mùa Thu đẹp nhất…!
Trong những ngày tháng năm lịch sử này, cả hệ thống chính trị và toàn dân nói chung, ở Hà Nội nói riêng đang gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19, chúng ta lại nhớ về mốc son chói lọi 10/10/1954, ngày đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân. Tới 15 giờ, tại Sân vận động Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay), Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Trong “Lời kêu gọi nhân ngày thủ đô giải phóng”, Bác viết: “Tám nǎm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”.
Trong không khí tràn ngập niềm vui, Bác cũng nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cơ bản mà chính quyền và nhân dân Thủ đô phải thực hiện sau ngày giải phóng. Người kêu gọi nhân dân cùng Chính phủ ra sức giữ gìn trật tự an ninh, duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế, tài chính của Thủ đô; đoàn kết chặt chẽ; thực hiện tự do dân chủ, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khǎn. Nhưng Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khǎn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Thấm nhuần tình cảm và ghi nhớ những lời chỉ bảo, căn dặn của Người, 67 năm sau ngày giải phóng, với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân thành phố, vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao, xứng đáng là Thủ đô - trái tim của cả nước; Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; là bộ mặt của quốc gia; là “Thành phố Vì hòa bình” và có mối quan hệ quốc tế sâu rộng.
Viết tiếp những trang sử hào hùng
Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, từ ngày thành lập (17/3/1930) và mốc son lịch sử (10/10/1954) đến nay, lớp lớp đảng viên Thủ đô đã cùng nhân dân nỗ lực phấn đấu, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi, hun đúc nên những truyền thống tự hào, xứng danh với Thủ đô, trái tim của cả nước. Truyền thống vẻ vang ấy càng tỏa sáng mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống lại giắc Covid-19 vô cùng ác liệt.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến nguy hiểm của biến chủng Delta, Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch cam go, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Từ ngày 24/7, toàn Thành phố phải trải qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực bị tác động tiêu cực, nhiều hoạt động bị đình trệ, ảnh hưởng cuộc sống sinh kế của người dân,...
Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ Thành phố đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, cùng sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, toàn Thành phố đã nỗ lực, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh bằng nhiều giải pháp quyết liệt, kiên trì, đúng hướng với nguyên tắc “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu, nhiệm vụ kép"; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Phương án cao hơn mức độ thức tế dịch bệnh được chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu điều trị, thu dung bệnh nhân thể nhẹ và không triệu chứng, thành lập các khu cách ly tập trung F1 quy mô lớn và lắp đặt hệ thống oxy y tế, sẵn sàng triển khai phương án Trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận y tế từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở trong các trường hợp cấp thiết, hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của Trung ương đóng trên địa bàn, lực lượng y tế của các tỉnh lân cận để triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng toàn thành phố và tiêm vắc xin mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.
Trong cuộc chiến này, không thể không kể đến cuộc xét nghiệm, tiêm chủng lớn nhất lịch sử với sự tham gia, hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố cùng sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác không quản ngày đêm của nhân dân… là điều kiện tiên quyết để nới lỏng, dần đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Những hoạt động như “Chương trình Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch Covid-19”; Chương trình “Sóng máy tính cho em”; các chương trình tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 của doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân giúp bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kết quả, dù chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, song tổng thu NSNN trên địa bàn 9 tháng ước đạt 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán Thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ.
Không chỉ vậy, thành phố còn có một số ngành kinh tế duy trì tăng trưởng: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng tăng 28,13% do Trung ương và Thành phố đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 và tập trung nguồn lực mua vắc xin. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8; bình quân 9 tháng tăng 1,54%, thấp hơn cùng kỳ 2020.