Từng bước chắc chắn thiết lập trạng thái thích ứng an toàn với COVID-19
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 22:07, 05/10/2021
Chủ trương chuyển mục tiêu "không COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" của Thủ tướng Chính phủ được toàn thể doanh nghiệp và người dân ủng hộ nhiệt tình. Đây là bước thay đổi có tính chất chiến lược đối với Việt Nam trong phòng chống dịch. Thực tế, chi phí phục vụ mục tiêu “zero COVID” là rất cao và cũng không khả thi. Vì vậy, mục tiêu mới của Chính phủ có thể giúp Việt Nam vừa sống chung với virus SARS-CoV-2 và vừa mở cửa sản xuất trở lại để phục hồi kinh tế.
Chính phủ vẫn nhấn mạnh, trên mặt trận chống lại “giặc dịch”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mọi chính sách đều phải hướng tới nhân dân..., còn trên con đường phát triển nền kinh tế thì doanh nghiệp là “pháo đài”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Theo Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 91,5% số doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; 81% số doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã bảo đảm hiệu quả…
Để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, thích ứng an toàn với COVID-19 trong môi trường kinh doanh là cần để doanh nghiệp được chủ động phòng, chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh, mà ưu tiên trước nhất là tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong doanh nghiệp và cho phép người lao động an toàn dịch bệnh được đi về giữa nơi làm việc và nơi ở.
Về vấn đề sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần cho mở cửa đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có người lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, cho phép đón khách du lịch trong nước và quốc tế, có điều kiện an toàn dịch bệnh theo phương châm "5 xanh"...
Như tại Công ty Cổ phần Thành Thành Công (Biên Hòa), lãnh đạo công ty cho rằng, chủ trương chuyển đổi sang thích ứng an toàn với đại dịch rất cởi mở cho các doanh nghiệp. Bản thân Thành Thành Công đã chuẩn bị các nguồn lực để thích ứng lâu dài với dịch bệnh, cũng như đào tạo kiến thức và hỗ trợ tinh thần cho người lao động thông qua thiết kế các gói an sinh. Điều này đã giúp người lao động không rơi vào trạng thái lo sợ và bị cô lập, bởi vì doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ nhân viên và gia đình của họ phải được an toàn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là chính Thành Thành Công đã chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với từng bối cảnh dịch bệnh có thể xảy ra, theo các cấp độ từ nhẹ đến lây nhiễm hàng loạt dẫn đến phải đóng cửa thì xử lý như thế nào. Khi có sự chuẩn bị, doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn lực, cơ sở y tế để không bị động.
Mở cửa an toàn, không để đại dịch “kìm chân” doanh nghiệp
Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ không để đại dịch “kìm chân”, virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư”.
Những kết quả trong phòng chống dịch vừa qua từ sự chuyển hướng chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở bước đầu vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Ngược lại, chính vì chúng ta thấy đã an toàn và có cơ sở để duy trì và nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên chúng ta mới đặt vấn đề mở cửa.
Ông Lộc đề xuất, hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Trong Công điện số 1102 ngày 23/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp…
Ngoài ra, một trong những nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giảm lãi suất. NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề tiếp cận tín dụng là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt nếu sử dụng hiệu quả cơ chế bảo lãnh thì sẽ hỗ trợ rất tốt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng.
Trong tiến trình thích ứng với đại dịch, khôi phục nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan.