Đe dọa "tống tiền" người khác, Nhâm Hoàng Khang bị xử lý thế nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:10, 05/10/2021

Lập trình viên Nhâm Hoàng Khang bị khởi tố bắt giam để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Theo luật sư, với cáo buộc chiếm đoạt 400 triệu đồng, bị can có thể sẽ đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
bat-nham-hoang-khang.jpeg
Nhâm Hoàng Khang bị bắt ngày 4/10.

Như Báo Công lý đã đưa tin, ngày 4/10, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam lập trình viên Nhâm Hoàng Khang (SN 1987, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Trước đó, cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo về việc Nhâm Hoàng Khang đã xâm nhập dữ liệu mạng máy tính liên quan đến cờ bạc, sau đó tống tiền hàng trăm triệu đồng.

Sau đó, Cục C02 phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra và xác định Khang đã nhận của đường dây này 400 triệu đồng.

Được biết, Nhâm Hoàng Khang (SN 1987, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) là một coder - lập trình viên có tiếng trong giới công nghệ thông tin. Thông tin Nhâm Hoàng Khang bị bắt khiến nhiều người quan tâm.

Trong giới công nghệ, Khang được biết đến với khả năng tạo ra các phần mềm hỗ trợ trên điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Không chỉ vậy, lập trình viên này còn thường xuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc mở khóa iPhone lock.

Đặc biệt, Nhâm Hoàng Khang được cộng đồng mạng đặc biệt chú ý qua những clip livestream gây xôn xao mạng xã hội với những “tuyên bố” bố lấy được các sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân, quỹ từ thiện… Trang Facebook của lập trình viên này có lượng người quan tâm với hơn 160.000 lượt theo dõi.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, cưỡng đoạt tài sản là hành vi "đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản". Đây là một trong các tội danh thuộc nhóm tội bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

Hành vi cưỡng đoạt tài sản dẫn đến hậu quả là việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ nạn nhân sang đối tượng phạm tội một cách trái ý muốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.

Tội danh này có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi với mục đích để buộc nạn nhân phải chuyển giao tài sản cho đối tượng thì hành vi đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã nhận được tài sản hay chưa, đồng thời cũng không phụ thuộc vào giá trị của tài sản chiếm đoạt.

Theo thông tin do công an cung cấp, với số tiền chiếm đoạt khoảng 400 triệu đồng, Nhâm Hoàng Khang có thể sẽ đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 đến 15 năm theo khoản 3, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những thông tin mà Khang nắm được là gì, hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần được thể hiện thông qua các tài liệu chứng cứ nào.

Chứng cứ có thể thể hiện qua ghi âm, tin nhắn, hình ảnh hoặc số tiền mà nạn nhân chuyển cho Khang. Nếu trường hợp Khang chưa nhận được tiền nhưng các tài liệu chứng cứ cho thấy bị can đã đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc họ phải chuyển giao tài sản thì lập trình viên này vẫn bị truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản.

“Điều 170: Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đ. Việt