Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ Giao thông Vận tải
Chính trị - Ngày đăng : 20:00, 25/12/2014
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Nghị quyết đã được triển khai kịp thời, có chiều sâu bằng những chương trình, nhiệm vụ cụ thể nên nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Giao thông Vận tải đã được nâng cao, tạo được không khí khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Công tác tổ chức triển khai, theo dõi thi hành pháp luật có nhiều tiến bộ, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đã có những chuyển biến rõ rệt.
Toàn cảnh buổi làm việc của Ban Kinh tế Trung ương với Bộ Giao thông Vận tải
Trong quản lý đầu tư, đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý... Công tác kiểm soát chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án, công trình được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Công tác huy động vốn ngoài ngân sách được chú trọng, lượng vốn đầu tư theo hình thức BOT, PPP… lớn nhất từ trước tới nay (178.165 tỷ đồng), góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đã được tăng cường và đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản duy trì được hệ thống hạ tầng giao thông hiện có. Công tác thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như công tác hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế của ngành Giao thông Vận tải đã được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại; đạt được nhiều cam kết, thỏa thuận trong hỗ trợ vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký kết quy chế phối hợp công tác
Xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, một trong 3 khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả giải ngân vốn đầu tư hàng năm đều vượt kế hoạch được giao. Số lượng các công trình khởi công, hoàn thành cao nhất từ trước đến nay và tăng nhanh theo hàng năm. Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành trước tiến độ tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thôngtại các đô thị lớn được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị lớn. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đề ra trong Nghị quyết.
Việc tập trung triển khai đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần không nhỏ cải thiện an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông so với cùng kỳ giai đoạn 2005 - 2010 đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Lần đầu tiên từ sau năm 2001 đến nay, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm dưới 10.000 người. Công tác khắc phục ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bước đầu thu được kết quả khả quan, hạn chế ùn tắc giao thông đô thị, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác tái cơ cấu đầu tư để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai thực hiện quyết liệt và đã thu được một số kết quả quan trọng: kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải thảo luận, trao đổi về các nội dung: Chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, mối quan hệ giữa chiến lược giao thông với các chiến lược phát triển các lĩnh vực khác; mô hình huy động vốn; chính sách tín dụng cho hoạt động đầu tư; chính sách thuế, giá, phí, lệ phí liên quan đến giao thông vận tải; thu hút các nguồn lực đầu tư; công tác quản lý đầu tư...
Trước đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai Cơ quan. Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải tăng cường phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách lớn về phát triển ngành giao thông vận tải, về kinh tế giao thông, về tái cơ cấu ngành giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông; thị trường dịch vụ vận tải; phát huy các mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chủ trương, chính sách phát triển, các quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải; các chính sách của Nhà nước về huy động, phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngành giao thông vận tải. Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải; các ngành đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; quản lý và phát triển thị trường dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Hai bên thẩm định các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án lớn thuộc ngành giao thông vận tải trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về phát triển cơ sở hạ tầng, về an toàn giao thông; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội, về các lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải.
Hai bên trao đổi thông tin và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý; phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận phát triển kinh tế - xã hội.