Cần sớm ban hành quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến phù hợp tình hình dịch bệnh Covid -19
Tòa án - Ngày đăng : 16:23, 02/10/2021
Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc TANDTC xây dựng Quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến. Bởi lẽ, hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hoá các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… Trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng.
Về phần mình, chúng tôi đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, cung cấp cho bộ phận nghiên cứu Đề án các tài liệu, sơ đồ, yếu tố kỹ thuật của việc xét xử trực tuyến, Sổ tay luật sư tham gia xét xử trực tuyến trên cơ sở hỗ trợ của một số tổ chức luật sư như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Nhật Bản.
Mặc dù còn một số ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý và hình thức ban hành văn bản, nhưng với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. góp ý của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong các phiên họp, có thể khẳng định việc xây dựng quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến hoàn toàn phù hợp xu thế tất yếu trong thời đại số. Đây còn là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng Toà án điện tử như một phần cam kết của Tòa án Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN cho đến năm 2025.
Đề án này mang tính cấp thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành Toà án.
Nếu Đề án được thông qua và ban hành, việc tổ chức phiên toà trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích: Các bên đương sự có thể không phải nhất thiết có mặt tại phiên toà, không cần trích xuất các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam, tiết kiệm rất nhiều chi phí trích xuất, dẫn giải và chi phí cho công tác đảm bảo an ninh tại phiên toà, đảm bảo thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội và phòng dịch, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp các bên, quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của bị cáo.
Mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự còn ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TANDTC ngày 10/6/2021 của TANDTC.
Trải nghiệm phiên toà trực tuyến ở một số nước…
Có thể thấy hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hoá các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng. Một số ứng dụng nhằm áp dụng hệ thống nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng (eLodgment); hệ thống quản lý án (Federal Law Search); phòng xử án ảo (eCourtroom); xây dựng mô hình và quy trình thực hiện xét xử trực tuyến.
Bên cạnh đó các phòng xử mới để ứng dụng công nghệ thông tin cũng được xây dựng ở nhiều quốc gia, sử dụng để xét xử trực tuyến khi được kết nối với mạng nội bộ của Tòa án và mạng internet, tích hợp hệ thống âm thanh, hình ảnh và kết nối với những hệ thống dữ liệu, thông tin của Tòa án.
Cá nhân tôi tham gia các Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở một số quốc gia có nghề luật phát triển, trực tiếp tham dự nhiều phiên toà, trong đó có những phiên toà xét xử trực tuyến ở Hoa Kỳ, Canada, cũng như nhiều phiên toà tại Trun Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức áp dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử phục vụ cho công tác xét xử. Vào năm 2010, tại Toà hạt Hạt Cook (Bang Illinois, Hoa Kỳ), chúng tôi tham dự hai phiên toà do Thẩm phán Lynn Egan và Edward Washington chủ trì tại hai phòng xử khác nhau ở lầu 19 và lầu 24. Tại đây, trong phòng xử đều trang bị đầy đủ màn hình, máy vi tính, đèn chiếu hiện đại phục vụ cho việc xét xử, trong đó có việc trích xuất dữ liệu điện tử được coi là chứng cứ chứng minh giữa công tố viên và luật sư.
Chúng tôi cũng tham dự một phiên toà xét xử trực tuyến tại Tòa án bang British Columbia (BC). Mỗi phiên xét quyết định như vậy chỉ diễn ra chừng không quá ba mươi phút, người bị bắt không cần có mặt tại phiên tòa nhưng lại có thể theo dõi diễn biến phiên tòa thông qua màn hình TV được nối mạng trực tiếp từ Trại giam đến Tòa án. Thậm chí, chúng tôi còn chứng kiến phiên xử một bị cáo phạm tội gây thương tích cho người khác, đã tham dự phiên tòa bằng cách trả lời từ Trại giam qua màn hình TV, riêng các phần trình bày và tranh tụng vẫn diễn ra bình thường tại Tòa án. Ở đây, ngoài các luật sư bào chữa cho khách hàng của mình theo yêu cầu, vẫn có các luật sư trực ở Tòa và sẵn sàng khi có bị cáo hoặc đương sự cậy nhờ đến.
Năm 2013, chúng tôi trực tiếp tham dự một phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn tại Toà án quận Võ Hầu (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) về bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông Thẩm phán Trương Tịnh (Zhang Qing) chủ trì. Phiên toà chỉ có mặt công tố viên và các luật sư, không có mặt các đương sự. Thẩm phán chủ tọa tiến hành thẩm tra lý lịch của những người tham gia phiên tòa, giải thích và hỏi từng luật sư đã biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình hay chưa, tóm tắt diễn biến vụ án và dành toàn bộ thời gian còn lại của phiên xử để cho luật sư hai bên xuất trình và đánh giá các chứng cứ trong điều kiện vắng mặt đương sự.
Ở Nhật Bản, vào năm 2016, chúng tôi tham dự phiên tòa hình sự sơ thẩm của Toà án tỉnh Aichi, xét xử một nữ bị cáo bị công tố viên truy tố tội trộm cắp dầu gội đầu trong một siêu thị. Phòng xử án được bố trí đơn giản nhưng trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa công tố viên và luật sư, trong đó đặc biệt được trang bị 03 màn hình TV ở ba góc phòng xử. Các tài liệu, thông tin do luật sư, công tố viên và những người tham gia tố tụng khác đưa để trình cho thẩm phán hoặc HĐXX đều được mã hoá và trình chiếu công khai trên màn hình. Ở Nhật Bản, việc xét xử trực tuyến các vụ tranh chấp dân sự đã được quy định cụ thể và triển khai trên thực tế.
Về sự tham gia trực tuyến của Luật sư, vào năm 2017, khi đến thăm Văn phòng luật sư Pitzer & Wesser ở Tây Berlin, chúng tôi chứng kiến Luật sư Wesser là một trong những luật sư tranh tụng hình sự tham gia một phiên xét xử trực tuyến. Sau phiên xử, Luật sư Wesser giới thiệu phần mềm quản trị hoạt động Văn phòng và giúp cho luật sư theo dõi tiến độ giải quyết các hồ sơ và cách thức kết nối với Toà án. Phần mềm này tự cho số hồ sơ mới mỗi lần tiếp nhận, các thông tin về người khởi kiện, người bị kiện và Tòa án thụ lý. Ngoài ra còn có các phần mềm khác như thiết bị đánh máy lại nội dung trao đổi của luật sư bằng giọng nói, phần mềm giao dịch điện tử với các cơ quan nhà nước và phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu về pháp luật. Đoàn Luật sư Liên bang Đức đã thuê công ty IT để soạn phần mềm cho các văn phòng luật sư để rút ngắn thời gian giao dịch và giảm giá thành cho khách hàng.
Nhu cầu thực tiễn, khung pháp lý và một số khó khăn khi tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngoài Đề án của TANDTC, chúng tôi được biết TAND TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã đi tiên phong trong việc đề xuất nghiên cứu tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến về hình sự. Với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm ngàn vụ án hàng năm, áp lực về đảm bảo thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn. Do diễn biến dịch bệnh kéo dài, có những vụ án hình sự lớn đã phải hoãn lịch xét xử tới 4-5 lần. Thực tế ở TP Hồ Chí Minh, các Trại tạm giam của Bộ Công an và TP Hồ Chí Minh đã chuyển lên huyện Củ Chi với khoảng cách 60 km, mỗi lần lên làm việc hoặc đưa bị cáo ra Toà án xét xử phải mất từ 1-2 giờ.
Riêng ở TP Thủ Đức, với số lượng các vụ án hình sự xét xử hiện nay khoảng 700 vụ/năm, điều kiện giam giữ tại các nhà tạm giữ, Trại tạm giam hiện nay đang rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc phòng, chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Tòa án, VKS, Công an, Luật sư và của cả cộng đồng xã hội.
Ở Đồng Nai, theo một Thẩm phán cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, TAND hai cấp đã thụ lý gần 16 ngàn vụ, việc nên áp lực đảm bảo thời hạn xét xử, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, bị hại và các đương sự ngày càng lớn. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài nên việc xét xử hầu như ngưng trệ, không thể thực hiện được, có những vụ án đã phải hoãn lịch xét xử 4-5 lần và với tình hình dịch bệnh hiện nay khả năng sẽ tiếp tục phải hoãn xét xử nhiều vụ án.
Việc xét xử trực tuyến ngoài việc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn đòi hỏi các đối tượng, đương sự phải hợp tác. Trong khi đó, thời gian giãn cách xã hội có nhiều thẩm phán ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không nghiên cứu được hồ sơ vụ án thì cũng không thể xét xử được. Do đó, việc triển khai xét xử trực tuyến cũng không dễ.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật nước ta chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức xét xử trực tuyến. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chánh án TANDTC ban hành nhiều Chỉ thị về phòng chống dịch trong hệ thống Toà án, trong đó hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một khán phòng. Đồng thời chỉ đạo tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít vụ án hình sự được đưa ra xét xử theo phương thức trực tuyến.
Một trong những vấn đề băn khoăn của nhiều người là việc xét xử trực tuyến có vi phạm nguyên tắc xét xử “trực tiếp và bằng lời nói” được quy định tại Điều 250 BLTTHS 2015 hay không và làm sao bảo đảm các thủ tục, trình tự quy định, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, bị cáo tại phiên toà, phiên họp khi họ không có mặt ? Ngoài ra, vấn đề thẩm định chứng cứ sẽ thực hiện như thế nào nếu xét xử trực tuyến, việc thẩm định qua màn hình trực tuyến có đảm bảo độ chính xác và bảo mật quyền riêng tư của đương sự ? Do đây là vấn đề liên quan đến pháp luật, quyền công dân, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm phiên tòa trực tuyến, cơ sở pháp lý thực hiện, kinh phí tổ chức thực hiện.
Một số luật sư cho rằng, để thực hiện xét xử trực tuyến lại rất khó, bởi trong điều kiện tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật; việc trình bày chứng cứ, vật chứng của luật sư bào chữa liệu có được chấp nhận khi đưa qua màn hình không? Việc xét xử trực tuyến liệu có đảm bảo quyền con người, quyền được đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật của bị cáo, bị hại hoặc các đương sự… Muốn tổ chức xét xử trực tuyến phải sửa đổi BLTTHS năm 2015 và kéo theo hàng loạt các quy định khác phải được thay đổi. Trước khi xét xử trực tuyến phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi vấn đề, nhất là quy định về hoạt động tố tụng thì mới có thể triển khai.
Cần sớm có Thông tư ban hành Quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến
Theo quan điểm của chúng tôi, việc xét xử trực tuyến không vi phạm quy định về xét xử trực tiếp, bằng lời nói, cũng như ảnh hưởng việc xem xét, kiểm tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập và thông qua việc thẩm tra, đánh giá và tranh tụng tại phiên toà. Nội hàm phiên toà trực tuyến được hiểu là việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Do đó, về bản chất và pháp lý, việc tổ chức phiên toà xét xử bằng hình thức trực tuyến về bản chất vẫn là xét xử trực tiếp và bằng lời nói, là hình thức “mặt đối mặt” nhưng là một hình thức “mặt đối mặt” mới trong thời đại internet và xét xử trực tuyến thực sự làm phong phú hơn nội hàm của xét xử trực tiếp.
Phiên toà xét xử trực tuyến vẫn phải đảm bảo các quy định về trìng tự, thủ tục tố tụng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, bị cáo và người tham gia tố tụng; bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Toà án, cũng như bảo đảm việc xét xử, giải quyết được tiến hành công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan và đúng pháp luật.
Chúng tôi đồng ý với dự thảo Quy chế tổ chức phiên toà trực tuyến ban hành kèm theo Thông tư của Chánh án TANDTC, trong đó ghi nhận đầy đủ các nguyên tắc, phạm vi những vụ án, vụ việc được mở phiên toà trực tuyến, những vụ việc không được mở; điều kiện tổ chức, yêu cầu đối với các điểm cầu, yêu cầu về kỹ thuật công nghệ và công tác chuẩn bị, trình tự, thủ tục tố tụng phiên toà trực tuyến.
Tuy nhiên, do đặc điểm phiên toà xét xử vụ án hình sự trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua một đường truyền viễn thông, nên các yếu tố pháp lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, trình tự tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên toà trong điều kiện bị cáo, Luật sư có thể không cùng không gian, địa điểm xét xử là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Đó là chưa kể, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và không gian mạng còn hạn chế ở vùng miền núi, dân tộc, hoặc chưa phủ kín, việc liên thông giữa Toà án, cơ sở giam giữ, chỗ ngồi, phương tiện kết nối, tính bảo mật, riêng tư của các thành phần tham gia phiên toà là những thách thức lớn.
Quy chế cần hướng dẫn cách thức tổ chức và trình tự phiên toà xét xử trực tuyến đối với một số loại vụ án dân sự, hình sự được lựa chọn, với các phạm vi về tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử trực tuyến, cách thức tống đạt thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục phiên toà, đảm bảo sự có mặt của người tiến hành tố tụng tại đầu cầu trụ sở Toà án, bị cáo tại cơ sở giam giữ và các đầu nối của người tham gia tố tụng, cách thức tiếp xúc của Luật sư với bị cáo thông qua hệ thống trực tuyến. Một vấn đề quan trọng trong các điều kiện tổ chức phiên toà, phiên họp trực tuyến là phải có sự đề nghị hoặc đồng ý của đương sự, bị cáo hoặc cơ sở giam giữ và VKS, sự phù hợp về điều kiện vật chất và kỹ thuật của phòng xử án.
Kinh nghiệm từ CHLB Đức cho thấy, các thiết bị kỹ thuật mà cơ quan tố tụng sử dụng phải tương thích với các hệ thống khác để liên lạc cũng như các thiết bị truyền tải hình ảnh và âm thanh mà luật sư, các cơ quan chức năng khác và các bên tham gia tố tụng sử dụng.
Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về trình tự xét hỏi, cách thức xem xét vật chứng, tài liệu, chứng cứ thông qua màn hình và âm thanh trực tuyến, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống mạng truyền dẫn, bảo mật thông tin.
Ngoài ra, chúng tôi đề nghị trong dự thảo Điều 13 Quy chế cần bổ sung quy định về quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng trong phiên toà trực tuyến, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án để chuẩn bị cho việc tham dự phiên toà, đồng thời hướng dẫn cách thức tiếp xúc của Luật sư với bị cáo thông qua hệ thống trực tuyến. Các chủ thể tham gia phải sử dụng hình nền ảo do Tòa án cung cấp, ở những địa điểm thích hợp trong một không gian yên tĩnh, bảo đảm mức độ riêng tư và hiển thị hình ảnh bảo đảm độ sáng thích hợp.
Ở góc độ này, TANDTC cần phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án, thiết lập các tiêu chuẩn của thiết bị kỹ thuật tại các Tòa án, cung cấp phần mềm và dịch vụ lưu trữ cho phiên xử trực tuyến.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cần nghiên cứu cách thức liên lạc, thông báo, tống đạt thủ tục, giấy tờ qua mạng internet, thống nhất trước cách thức tiến hành phiên toà và cung cấp quyền truy cập hệ thống mạng của phiên toà xét xử trực tuyến, chia sẻ màn hình với các điều kiện bảo mật trong phòng xử, kể cả việc tạo điều kiện cho các luật sư để trao đổi với thân chủ của mình.