Góp ý vào các Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật
Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:53, 30/09/2021
Hướng dẫn xử lý các hành vi cho vay lãi nặng
Để xử lý nghiêm các hành vi cho vay lãi nặng, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201). Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trong thực tiễn còn nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về xác định khoản tiền “thu lợi bất chính”, xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm, xác định tư cách tố tụng của người vay... Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng diễn biến phức tạp với thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cũng còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/4/2019, Thủ trướng Chính phủ đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết hướng dẫn về tội cho vay lãi nặng để áp dụng thống nhất pháp luật. Đây cũng là kiến nghị của nhiều đoàn đại biểu Quốc hội trong thời gian qua. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là cần thiết.
Lãnh đạo TANDTC đã giao cho Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học xây dựng dự thảo Nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử TANDTC dự thảo Nghị quyết để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tiếp theo, TANDTC đã gửi Dự thảo Nghị quyết xin ý kiến của VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã hoàn thiện dự thảo 4 trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm; xác định tư cách tố tụng của người vay tiền; nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đại diện Bộ Tư pháp và VKSNDTC vẫn còn có những quan điểm khác nhau về xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự; về xử lý khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay; về xác định tư cách tố tụng của người vay… Đối với từng vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều, Chánh án TANDTC giao cho Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, thông qua.
Hướng dẫn xử lý các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện kỹ thuật
Đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307, Điều 308 của BLHS, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận thấy BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các tình tiết định khung hình phạt như gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đối với các tội: “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” (Điều 304). Các “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305); “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” (Điều 306); “Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” (Điều 307); “Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 308) cũng đã được quy định khá cụ thể.
Tuy nhiên, tại khoản 1 các Điều 304, 305, 306 của BLHS không quy định số lượng, khối lượng, giá trị vật phạm pháp tối thiểu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 2, 3, 4 các Điều 304, 305; khoản 2, 3 Điều 306 BLHS không quy định cụ thể số lượng vật phạm pháp “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”. Khoản 4 Điều 307 không quy định cụ thể tình tiết “... có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả ...” nên gây khó khăn trong việc áp dụng. Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm không thống nhất về việc có tiếp tục áp dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 của BLHS năm 1985 (tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” và tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ”) hay chỉ áp dụng BLHS hiện hành để giải quyết, xét xử loại vụ án này.
Trước thực trạng trên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 304, 305, 306, 307 và 308 của BLHS. Sau khi xin ý kiến của VKSNDTC; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng); Cục Hóa chất (Bộ Công thương), Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hoàn thiện Dự thảo 3 Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết có 7 điều, trong đó giải thích rõ vũ khí, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, cộng cụ hỗ trợ, vũ khí có tính năng tác dụng như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ. Dự thảo Nghị quyết cũng hướng dẫn về một số tình tiết là dấu hiệu định tội; tình tiết định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác…
Góp ý vào các nội dung của Dự thảo Nghị quyết, cơ bản các thành viên Hội đồng Thẩm phán và đại diện Bộ Tư pháp, VKSNDTC đồng tình. Tuy nhiên, về xác định số lượng vật phạm pháp là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ cần quy định cụ thể số lượng vật phạm pháp tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc hướng dẫn về hành vi phá hủy vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự cần được quy định cô đọng hơn để bảo đảm áp dụng pháp luật được thống nhất, đúng người, đúng tội.
Trên cơ sở các ý kiến, Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học sẽ tiếp tục chỉnh sửa bổ sung để Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua trong phiên họp tiếp theo.