Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TPHCM chưa rút quân đội, nhưng từng bước điều chỉnh lực lượng

Chính trị - Ngày đăng : 16:46, 29/09/2021

Trên địa bàn TPHCM chưa thể rút các đơn vị quân đội nhưng từng bước điều chỉnh lực lượng để thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch theo yêu cầu mới, dần chuyển giao một số nhiệm vụ cho lực lượng ở địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
pho-thu-tuong-vu-duc-dam-chua-the-rut-quan-doi-nhung-se-dieu-chinh-luc-luong.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi,  dặn dò cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt tinh thần “quân đội là con em của nhân dân”, phải hết sức gần gũi, nắm sát nhu cầu, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người dân vùng dịch.

Ngày 29/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Lực lượng quân đội đã vào cuộc với tinh thần “vì nước quên thân”

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nếu không có sự vào cuộc ngay từ đầu, rất hiệu quả của lực lượng quân đội thì công tác phòng, chống dịch trên địa bàn cả nước cũng như ở TPHCM không thể có được những kết quả như hiện nay.

Vào thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn TPHCM (ngày 9/7) thì dịch đã nhiễm rất nặng và sâu ở khu vực TPHCM (gồm TPHCM, một phần các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), đòi hỏi phải có những giải pháp phòng, chống dịch đặc biệt, khác với phần còn lại của đất nước.

Phó Thủ tướng dẫn lại các kết quả nghiên cứu cho thấy đầu tháng 7, tình hình lây nhiễm tại TPHCM rất sâu, như các đô thị lớn trên thế giới thường mất ít nhất 6 đến 9 tháng mới cơ bản kiểm soát được dịch.

Sau hơn 2 tháng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng chống dịch của Thành phố đã đứng lên rất mạnh mẽ. Dù có nhiều thiệt hại, hy sinh, mất mát, nhưng tình hình dịch ở TPHCM từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện để từng bước mở lại các hoạt động cùng với việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Đó là kết quả từ việc triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống, nỗ lực của TPHCM, sự hợp tác, chi viện của Trung ương, các địa phương, nhất là lực lượng quân đội.

“Đến ngày hôm nay chúng ta đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn, gian khổ, có nhiều mất mát nhưng cũng càng thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết, sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống của nhân dân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Những ngày qua, người dân TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An luôn trân trọng hình ảnh đẹp của các chiến sĩ bộ đội như: Giữ gìn trật tự, chuyển túi an sinh, mua lương thực, thực phẩm cho bà con; các chiến sĩ quân y đến từng nhà chăm sóc người nhiễm COVID-19, hỗ trợ y tế kịp thời, không quản mưa, nắng, đêm, ngày, đã cứu được rất nhiều người.

Phó Thủ tướng chia sẻ ông đã cùng bác sĩ quân y đến thăm khám tại nhà cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 cao tuổi và được chứng kiến sự tin tưởng, yên tâm của bệnh nhân và người nhà dành cho những thầy thuốc áo lính.

Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam (đầu năm 2020), các đơn vị quân đội tham gia ngay từ đầu với tinh thần bộ đội cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, để vừa bố trí, cơ động lực lượng phục vụ phòng, chống dịch, vừa hoàn thành các nhiệm vụ khác.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự xúc động trước tinh thần “vì nước quên thân” của các chiến sĩ bộ đội làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại TPHCM đang ngày đêm giữ gìn trật tự, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách, chăm lo an sinh, sức khoẻ cho người dân, lo hậu sự cho những người không may qua đời…

Điều chỉnh lực lượng thích ứng trong tình hình mới

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới cả nước vẫn phải kiểm soát dịch bệnh khi chưa thể bao phủ vaccine cho toàn bộ dân số, chưa có thuốc đặc trị. Trên địa bàn TPHCM chưa thể rút các đơn vị quân đội nhưng từng bước điều chỉnh lực lượng để thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch theo yêu cầu mới, dần chuyển giao một số nhiệm vụ cho lực lượng ở địa phương.

“Chúng ta sẽ trưởng thành từ thực tiễn với mục tiêu lớn nhất là phục vụ, chăm sóc tốt nhất cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình dịch bệnh trên cả nước hiện nay có thể thấy khu vực TPHCM có mức độ lây nhiễm nặng nhất giống như những đô thị lớn của các nước phát triển trên thế giới; tiếp đến là các địa phương có giao lưu, giao thương lớn với TPHCM nên bị nhiễm tương đối nặng, nhất là một số tỉnh Nam Bộ, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng; các tỉnh miền Bắc và khu vực miền Trung vẫn kiểm soát được dịch bệnh theo chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực. Vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch cần có những giải pháp khác nhau nhưng ở khu vực nào vai trò của lực lượng quân đội cũng rất quan trọng.

Phó Thủ tướng cho biết, sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao, được chi viện về xét nghiệm, điều trị, người dân đã ý thức tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch,… khu vực TPHCM có thể dần nới cho các hoạt động di chuyển để tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên ngoài vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người từ khu vực TPHCM đi về các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và những địa phương khác.

Việc kiểm soát không chỉ ở các chốt mà còn phải tuyên truyền, vận động và có các biện pháp cần thiết đến tận cơ sở để người dân chỉ đi lại, hoạt động ở những khu vực theo đúng hướng dẫn của chính quyền. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các đơn vị quân đội cùng với việc tiếp tục tham gia xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các bệnh viện quân y sẽ trở thành những điểm, trung tâm cùng với chính quyền địa phương xử lý các sự cố sức khoẻ cộng đồng trong tương lai.

Hiện nay, các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, quân y đã chi viện tăng cường cho TPHCM 135.000 cán bộ, chiến sĩ; triển khai 12 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 6.450 giường; duy trì 660 tổ quân y và 1.125 tổ lấy mẫu.

Ngọc Mai