Tin vắn thế giới ngày 29/9: Taliban sẽ tạm thời áp dụng hiến pháp quân chủ, trao quyền cho phụ nữ
Chuyển động - Ngày đăng : 07:20, 29/09/2021
Taliban sẽ tạm thời áp dụng hiến pháp quân chủ, trao quyền cho phụ nữ
Chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 28/9 cho biết sẽ tạm thời áp dụng bản hiến pháp năm 1964, văn bản lần đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ và mở cánh cửa cho phụ nữ tham gia chính trị tại quốc gia Nam Á này.
Quyền Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Taliban, ông Mawlavi Abdul Hakim Sharaee cho biết: "Vương quốc Hồi giáo sẽ tạm thời áp dụng hiến pháp từ thời cựu Quốc vương Mohammad Zahir Shah", nhưng bất cứ điều khoản nào trong văn bản này đi ngược lại với luật Hồi giáo Sharia và các nguyên tắc của Vương quốc Hồi giáo sẽ bị loại bỏ.
Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ nhóm họp vào tháng 10
Ngày 28/9, Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen tuyên bố Tiểu ban soạn thảo thuộc Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ nhóm họp vào ngày 18/10 tại Geneva (Thụy Sĩ).
ASEAN tham gia Triển lãm thế giới World Expo 2020 tại Dubai
Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tham gia Hội chợ triển lãm thế giới World Expo 2020 dự kiến khai mạc vào đầu tháng tới tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Anh kêu gọi Triều Tiên trở lại đối thoại
Trong một tuyên bố ngày 28/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Anh lên án quyết định phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Anh duy trì cam kết đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đối tác khu vực tìm kiếm hòa bình và giữ gìn sự ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên trở lại đối thoại”.
EU giải ngân Quỹ Brexit cho các nước bị ảnh hưởng
Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 đã phê chuẩn lần cuối cho gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 5,4 tỷ euro (6,3 tỷ USD) cho các nước thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế của việc Anh rời EU (Brexit). Trong số này, những nước được hưởng nhiều nhất là Pháp và Ireland.
IAEA nhận định thỏa thuận AUKUS 'làm khó' việc thanh sát hạt nhân
Ngày 28/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho rằng thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKU) là một vấn đề “rất phức tạp” về mặt thanh tra song có thể xử lý được.
Ông xác nhận, một nước ký kết Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) có thể loại bỏ các nguyên liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát của IAEA, trong khi nguyên liệu này có thể sử dụng cho tàu ngầm. Rất hiếm có ngoại lệ IAEA giám sát liên tục tất cả các vật liệu hạt nhân nhằm đảm bảo hạt nhân không được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử.
Trung Quốc và NATO sẵn sàng phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã hội đàm trực tuyến với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong đó khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đối thoại với NATO trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ.
Đức: SPD muốn đàm phán lập liên minh cầm quyền trong tuần này
Hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đảng về nhất trong cuộc bầu cử, ngày 28/9 cho biết đảng trung tả hy vọng có thể tiến hành đàm phán về thành lập liên minh cầm quyền với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) vào cuối tuần này.
Ấn Độ tuyển chọn tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine Novavax
Các nhà quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cho phép Viện Huyết thanh nước này tiến hành tuyển chọn tình nguyện viên là trẻ em ở độ tuổi từ 7-11 tuổi tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax (Mỹ).
Theo thông báo của hội đồng chuyên gia của Cơ quan kiểm soát chất lược dược phẩm trung ương Ấn Độ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, ủy ban này cho phép Viện Huyết thanh bắt đầu thực hiện việc tuyển chọn tình nguyện viên trong độ tuổi trên.
Pfizer/BioNTech trình dữ liệu xin cấp phép tiêm chủng trẻ em từ 5-11 tuổi tại Mỹ
Các hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức ngày 28/9 thông báo đã bắt đầu đệ trình dữ liệu lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Dự kiến đơn chính thức xin cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 5-12 tuổi sẽ được đệ trình trong những tuần tới. Đơn xin cấp phép tương tự sẽ được đệ trình tới Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và các cơ quan khác.
Canada thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Nationalpost.com cho biết các cơ sở y tế thuộc tỉnh Ontario của Canada đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ngay khi các mũi tiêm phòng COVID-19 được cấp phép cho trẻ em.
Trong khi đó, tại thủ đô Ottawa, Cơ quan y tế công cộng Ottawa đang phối hợp với các bên nhằm tiêm chủng cho 77.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Trẻ em sinh sau năm 2009 hiện không đủ điều kiện để tiêm bất kỳ loại vaccine nào đã được phê chuẩn tại Canada.
Philippines cấp phép tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi
Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Philippines đưa ra ngày 28/9, trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.
Các bệnh viện ở New York sa thải nhân viên không tiêm vaccine
Các bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ bắt đầu sa thải hoặc đình chỉ công tác các lực lượng nhân viên y tế - những người không tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo quy định được bang New York ban hành hồi tháng trước.
Pfizer thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA phòng cúm mùa
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine phòng bệnh cúm mùa sử dụng công nghệ mRNA, tương tự như vaccine phòng COVID-19 mà hãng này đã phát triển thành công.
Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp theo đúng hạn
Ngày 28/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại 19 địa phương và các biện pháp phòng dịch trọng điểm áp dụng tại 8 địa phương vào đúng hạn là ngày 30/9, sau khi đã tham vấn Nhóm chuyên gia cố vấn về vấn đề này.
Hong Kong kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội
Ngày 28/9, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện hành thêm hai tuần nữa cho đến ngày 13/10.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống áp dụng mô hình hoạt động loại D, nghĩa là nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và 2/3 khách hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi, thì số lượng khách tại bữa tiệc sẽ được tăng lên 240 người.
Malaysia hỗ trợ quá trình tái mở cửa nền kinh tế
Trong phiên họp Quốc hội ngày 28/9, Bộ Tài chính Malaysia đã trình dự luật các biện pháp tài chính tạm thời, trong đó đề xuất nâng trần nợ công từ mức 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 65%, nhằm hỗ trợ quá trình tái mở cửa nền kinh tế và đảm bảo sự phục hồi ổn định trong ngắn hạn.
Khởi động chiến lược 'Campuchia An toàn'
Ngày 28/9, Chính phủ Campuchia đã đề xuất một chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” như là một trong những chiến lược nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai.
Nghi can vụ sát hại nhiều phụ nữ gốc Á ở Georgia (Mỹ) không nhận tội
Theo đó, luật sư của nghi can Robert Aaron Long, 22 tuổi, đã đệ đơn không nhận tội lên Thẩm phán Tòa án Tối cao hạt Fulton Ural Glanville trong phiên xử ngắn ở Atlanta, sau khi cơ quan công tố cho biết đã đề nghị mức án tử hình đối với Long cũng như mức phạt nặng đối với các tội danh tội ác thù hận, dựa trên giới tính và chủng tộc của các nạn nhân.
Trong vụ nổ súng hồi tháng 3, cơ quan công tố đã cáo buộc bị cáo Long đã sát hại tổng cộng 8 người, phần lớn gốc Á, tại 3 trung tâm spa trong và gần Atlanta. Đến tháng 7, bị cáo đã nhận 4 tội danh giết người ở hạt Cherokee và bị kết án tù chung thân không được ân xá vào tháng 8.
OPEC: Nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong hai thập niên tới
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 28/9 dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng từ nay đến năm 2045, và "vàng đen" vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo bất chấp những cảnh báo tổ chức này phải giảm sản lượng dầu để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nước thành viên CPTPP thảo luận việc Anh xin gia nhập
Ngày 28/9, nhóm chuyên viên của 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tiến hành cuộc họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận việc Anh xin gia nhập.
Tại cuộc họp trực tuyến do Nhật Bản chủ trì, các bên đã thảo luận những nỗ lực của Anh để trở thành thành viên của CPTPP, các điều luật và quy định của London cần được sửa đổi để đáp ứng các tiêu chí của hiệp định này.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) ngày 28/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 từ mức 8,2% xuống mức 7,8%, do tình trạng cắt điện trên toàn quốc đã ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình nước này, đồng thời khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, trong đó có cả một số nhà cung cấp cho Apple và Tesla.
Lego công bố lợi nhuận và doanh thu kỷ lục bất chấp đại dịch
Ngày 28/9, Tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch đã công bố lợi nhuận và doanh thu kỷ lục trong nửa đầu năm 2021, với lợi nhuận ròng tăng 140% lên 6,3 tỷ kronor (tương đương 989 triệu USD), còn doanh thu tăng 46% đạt mức 23 tỷ kronor.
Australia: Google thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến gây tổn hại cho doanh nghiệp trong nước
Ngày 28/9, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết vị thế thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Australia của Google đã đến mức gây tổn hại cho các đơn vị xuất bản, quảng cáo và người tiêu dùng nước này, do đó cần thiết lập các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Tiểu bang Ấn Độ cắt internet để ngăn giáo viên gian lận thi cử
Trên 25 triệu người dân tại bang Rajasthan (Ấn Độ) phải chịu cảch bị cắt internet vào ngày 26/9 do một biện pháp chống gian lận tại Cuộc thi Tiêu chuẩn giáo viên Rajasthan (REET) nhằm chọn lọc nhân sự làm công việc giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học cơ sở do chính phủ vận hành.
Các ứng viên không được đem khẩu trang từ bên ngoài vào, thay vào đó, khi đến điểm thi họ sẽ được cung cấp khẩu trang. Toàn bộ quá trình thi, từ việc in giấy thi cho đến phương tiện di chuyển và chia ứng viên đến điểm thi đều được giám sát chặt chẽ và ghi hình lại.
Tây Ban Nha ban bố khu vực thảm họa trên đảo La Palma
Ngày 28/9, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố đảo La Palma, nơi đang hứng chịu đợt phun trào dữ dội của núi lửa Cumbre Vieja, là khu vực thảm họa, mở đường cho các biện pháp cứu trợ khẩn cấp.
Đảo Crete hứng chịu nhiều dư chấn sau trận động đất mạnh
Dư chấn mạnh nhất đo được có độ lớn 5,3 vào lúc 7h48 sáng 28/9, trong lúc Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis chuẩn bị đến thăm khu vực này, cũng là quê hương ông.
Điều tra sơ bộ cho thấy trận động đất ngày 27/9 có độ sâu gần 10km, đã làm hư hỏng khoảng 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Tâm chấn trận động đất nằm gần thành phố nông nghiệp Arkalochori, nơi 1 người đàn ông thiệt mạng bên trong một nhà thờ bị sập và gần 12 người khác bị thương.
Nổ tại chung cư ở Thụy Điển
Hãng thông tấn TT của Thụy Điển đưa tin khoảng 25 người đã được đưa tới bệnh viện vào sáng sớm 28/9 sau vụ nổ tại tòa chung cư ở thị trấn Gothenburg của Thụy Điển. Đã có ít nhất 16 người bị thương, trong đó 4 người bị thương nặng trong vụ cháy nổ không rõ nguyên nhân này.
Theo lực lượng xử lý trình trạng khẩn cấp của Thụy Điển, vụ nổ này không có dấu hiệu là một vụ tai nạn.