Bộ Y tế nói gì về test nhanh Covid-19 mua ở nước ngoài chỉ 35.000 đồng?

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:47, 28/09/2021

Bộ Y tế chỉ quy định về giá dịch vụ xét nghiệm. Trong khi đó, giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm.

Trong Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đã thông tin giá bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồng Anh cũng giống như vắc xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.

test.jpeg
Test nhanh Covid-19

Về vấn đề này, ngày 28/9, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm.

Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.

Hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các test nhanh Covid-19, không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu doanh nghiệp phải công khai giá trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế.

Theo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, trước 20/8, giá test nhanh khoảng 100.000 - 198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25/9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó, mức giảm khoảng 20.000 - 70.000 đồng/test.

Hiện có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động nguồn hàng, có kế hoạch ổn định, dự trữ nguyên liệu, tăng cường sản xuất, nhập khẩu đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn sử dụng sản phẩm đúng theo quy định; chịu trách nhiệm về công bố giá và rà soát công bố giá theo quy định; xem xét giảm giá bán sinh phẩm, trang thiết bị y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 để hỗ trợ cho các đơn vị chống dịch.

Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ sẽ liên tục cập nhật danh sách, giá cả các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu từ ngày 28/7 đến nay. Những sản phẩm đã thông báo nhưng có thay đổi về giá cũng được cập nhật.

Ngày 23/9, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các vi phạm về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc... nhằm phòng chống việc đầu cơ, tăng giá, bán hàng giả, hàng nhái...

Đồng thời, các địa phương cũng cần thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm. 

Thảo Nguyên