Tọa đàm tham vấn chuyên gia hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 12:10, 27/09/2021
Tham dự buổi tọa đàm có khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm nay do đặc thù của dịch bệnh, việc tổ chức tọa đàm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan của Quốc hội, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu trong nước và quốc tế. Các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội. Tọa đàm cũng là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của mình để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững. Quốc hội mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, các cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế.
Nêu một số nội dung thảo luận, về bối cảnh chung trong nước và thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài (WB, ADB, IMF) chia sẻ những nhận xét, ý kiến về các diễn biến tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, dự báo năm 2022 và các năm tiếp theo; diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và những tác động tới kinh tế - xã hội của Việt Nam; tình hình trong nước, bối cảnh để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng cuối năm 2021, cả năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022.
Về thách thức, đại dịch Covid – 19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta với diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam và nhiều địa phương trong cả nước. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế dịch bệnh, phần nào kiểm soát được sự lây lan, số ca nhiễm theo ngày có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các các tỉnh, Thành phố trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động và có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế thế giới và nhiều nước đảo chiều từ tăng trưởng âm của 2020 sang tăng trưởng dương 2021 thì Việt Nam tăng trưởng 2021 dự báo không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. “Nhận diện các thách thức là rất quan trọng để triển khai thực hiện kế hoạch các tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch 2022”, ông nói.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tập trung khống chế dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế; đồng thời duy trì, khôi phục hoạt động kinh tế để có năng lực, nguồn lực, điều kiện cho phòng, chống dịch.
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm phản ứng với dịch của các nước châu Âu, các quốc gia trên thế giới, các chính sách, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của các quốc gia trong đại dịch COVID-19 và bài học cho Việt Nam; giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thu, chi ngân sách nhà nước; giải pháp để kiểm soát lạm phát, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán; giải pháp để khôi phục thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, các hoạt động bán lẻ, sản xuất công nghiệp; các giải pháp khắc phục việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bình ổn giá nguyên vật liệu thiết yếu, chi phí logistics và không để dứt gãy thị trường trong nước cũng như thế giới; các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ODA, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; các giải pháp để kiểm soát nợ xấu của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, nợ xấu tín dụng tiêu dụng và giải pháp khơi thông vốn tín dụng cho các doanh nghiệp; giải pháp để tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA, thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt; các giải pháp để hoàn thiện thể chế và nhiều vấn đề quan trọng khác như: văn hóa, giáo dục, y tế bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh kinh tế-xã hội là vấn đề rất rộng và là vấn đề quan trọng quốc gia phải quyết định; bối cảnh tình hình hiện nay nhiều thách thức cần những giải pháp đột phá; mong các đại biểu đã tham dự diễn đàn có những đóng góp ý kiến tâm huyết, sát thực cho Quốc hội và những thông tin này cũng là đề xuất gợi mở cho Chính phủ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi hơn cho thời gian tiếp theo.