Thị trường hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 14:08, 26/09/2021
Được biết, Hà Nội nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (gồm 36/449 chợ và 7/1.800 cửa hàng tiện ích).
Trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân: tổ chức 68 điểm bán hàng lưu động tại 11 quận, huyện (giảm 10 điểm so với ngày 23/9); 21 điểm siêu thị 0 đồng thuộc Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng”.
Tại các chợ, lượng hàng hoá nông sản thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân. Lượng khách mua sắm tập trung chủ yếu vào sáng sớm. Người dân đến các chợ truyền thống để chọn mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, trái cây, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng tại chợ có xu hướng giảm nhẹ so với ngày hôm trước.
Ngày 24/9, tỉnh Hà Nam quyết định điều chỉnh theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, theo đó không áp dụng đối với toàn bộ Thành phố Phủ Lý và chỉ áp dụng đối với 1 phần của 12 xã, phường trên địa bàn Thành phố Phủ Lý nhằm mục đích để những “vùng xanh” hoạt động bình thường. Thời gian thực hiện trong vòng 14 ngày.
Tình hình dịch bệnh tại tỉnh bắt đầu bùng phát từ ngày 20/9/2021 nên thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu có tăng nhẹ khoảng 10%-15% tại những nơi trong khu vực phong tỏa.
Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện, giá thực phẩm vẫn có xu hướng tương đối ổn định.
Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu của tỉnh vẫn ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tại Thành phố Đà Nẵng, theo ghi nhận của Tổ Công tác, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số lượng điểm bán hàng thực phẩm tại các điểm container tiếp nhận từ Công an Thành phố ngày 23/9 là 15 điểm (Sở Công Thương dự kiến duy trì các điểm bán này đến ngày 30/9).