Cho bạn giấy test nhanh Covid-19 giả có vi phạm pháp luật không?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 14:41, 25/09/2021
Hỏi: Anh A làm nghề lái xe. A lên mạng xã hội đặt mua giấy test nhanh Covid-19 giả định sử dụng khi cần. Giấy này để trống họ tên người xét nghiệm, chỉ có dấu đỏ, chưa có chữ ký của các nhân viên y tế. B là bạn của A cũng làm nghề lái xe. Thấy A khoe mình có giấy test nhanh Covid-19 giả nhưng chưa dùng tới, nên B xin và A cũng đồng ý cho. A biết B sẽ dùng giấy này vào việc thông chốt kiểm dịch. B điền thông tin cá nhân của mình lên giấy và ký giả chữ ký của nhân viên y tế. Khi B đang sử dụng giấy tờ giả thì bị Công an phát hiện. Vậy, A có vi phạm pháp luật không?
Nguyễn Đức Th., Sơn Dương, Tuyên Quang.
Trả lời: Giấy tờ giả có thể hiểu là những giấy tờ không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật nhằm mục đích đánh lừa cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để phục vụ các mục đích vụ lợi hoặc theo nhu cầu của cá nhân.
Giấy tờ giả có thể được xác định giả về mặt hình thức thể hiện như dấu giả, chữ ký giả, phôi giả hoặc có thể được làm giả thông qua việc giả về quá trình như cấp không đúng quy trình, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định. Giấy tờ giả cũng có thể thể hiện ở việc giả về nội dung như cấp cho người không đủ điều kiện, thông tin ghi nhận trên giấy tờ không chính xác.
Giấy test nhanh covid-19 mà B sử dụng để thông chốt kiểm dịch được làm giả về mặt hình thức do ký giả chữ ký. Giấy này cũng giả về mặt nội dung do không xét nghiệm thật trên thực tế; giả về mặt quy trình vì không được cấp theo đúng trình tự, thủ tục. Xét cả về ba phương diện thì giấy test nhanh này được coi là giấy tờ giả.
B có hành vi ký giả chữ ký của nhân viên y tế, dùng giấy tờ giả này để sử dụng vào việc thông chốt kiểm dịch. Hành vi của B có dấu hiệu vi phạm điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 tội làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.
Đối với A, A không có hành vi làm giả tài liệu của tổ chức, cũng chưa sử dụng tài liệu giả vào thực hiện hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, chính A là người cung cấp thông tin cho B biết là mình có giấy tờ giả và có thể dùng giấy tờ giả để sử dụng vào hoạt động thông chốt. Vì lý do này nên B mới nghĩ đến việc dùng giấy tờ giả để đi qua chốt kiểm dịch. Ngoài ra, A còn có hành vi tặng cho B giấy tờ giả này và cũng biết B sẽ dùng vào việc trái pháp luật nhưng A vẫn cho.
Do đó, hành vi của A được coi là đồng phạm với B trong việc làm giả tài liệu và sử dụng tài liệu vào mục đích bất hợp pháp. Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. A đồng phạm với B với vai trò là người giúp sức. Theo đó, A chính là người tạo điều kiện về tinh thần và vật chất cho việc B thực hiện hành vi phạm tội. Nên A có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cùng một tội danh với B trong trường hợp này.