Hà Nội nới lỏng giãn cách: Tránh tâm lý chủ quan sau khi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:45, 24/09/2021
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phía Nam như TP.HCM và tỉnh Long An đã đưa ra những quy định về việc áp dụng "thẻ xanh", "thẻ vàng" đối với người dân.
Theo Bộ tiêu chí do TP.HCM ban hành, một người có "thẻ xanh Covid” khi hội đủ các điều kiện: Xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR) đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định; Tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; Không có tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày.
Tại Hà Nội, đánh giá về thành quả chống dịch, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua theo dõi diễn biến tình hình dịch có thể thấy Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch, tỷ lệ mắc rất thấp, đặc biệt trong những ngày gần đây. Các ca mắc cũng khu trú ở những địa bàn trọng điểm. Các biện pháp Hà Nội triển khai đã đầy đủ và đúng hướng, theo chỉ đạo của Trung ương cũng như diễn biến thực tế.
Nhận định thời gian tới Hà Nội vẫn còn xuất hiện các F0 trong cộng đồng khi nới lỏng giãn cách xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vì thế, ông Hạnh cho rằng việc kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch là hết sức quan trọng.
TP cần tập trung xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm và tập trung, không để các ổ dịch lan rộng trong cộng đồng; linh hoạt duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
"Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết các trường hợp liên quan giúp công tác phòng, chống dịch của TP hiệu quả hơn. Cùng với việc nới lỏng giãn cách thì công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện thông điệp 5k cần được quan tâm", ông Hoàng Đức Hạnh thông tin.
Liên quan đến vấn đề "thẻ xanh" cho người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này và trên thực tế người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị mắc Covid-19. Vì thế, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin cũng không nên chủ quan.
Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau 2 tháng nữa, khi người dân Hà Nội tiêm xong mũi 2 sẽ khác. "Vì thế cần cân nhắc tính toán kỹ các hệ quả xảy ra khi áp dụng thẻ xanh vì hiện nay vẫn yêu cầu người dân không có việc cần thiết không phải ra đường, không kiểm tra giấy đi đường", TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã nhận định, việc cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin không nên nóng vội, cần cân nhắc kỹ lưỡng để giữ vững thành quả phòng, chống dịch.
Để đưa TP Hà Nội để trở về "Zero Covid" là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng; đã xâm nhập vào các chuỗi như lái xe, shipper… Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
"Đặc biệt nếu tiêm chủng 1 mũi thì không có ý nghĩa gì khi cấp thẻ xanh. TP.HCM đề nghị cấp thẻ xanh do tình hình quá bức xúc về kinh tế, an sinh xã hội, còn Hà Nội không nên nóng vội vì phải giữ thành quả chống dịch, nếu không có thể lây cho trẻ em khi đi học trở lại, người già có bệnh nền, sẽ rất khó khăn", ông Phu nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích về vấn đề này, ông Phu cho hay, đặt vào tổng thể chiến lược tiêm vắc xin toàn quốc thì ở thời điểm hiện tại mới chỉ có một số tỉnh thành đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… Còn ở các tỉnh thành khác, tỷ lệ tiêm vẫn rất thấp.
Vì vậy, nếu áp dụng "thẻ xanh Covid-19", Hà Nội vẫn cần sự phối hợp của các địa phương khác đối với quy định này. Bởi lẽ, khi những người ở Hà Nội được cấp "thẻ xanh" đi đến các tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì vẫn có nguy cơ làm lây bệnh dịch cho người chưa tiêm vắc xin, gây bùng phát dịch ở những vùng chưa được phủ vắc xin này.