Nghẹn ngào giây phút trao trả kỷ vật của bệnh nhân Covid-19 tử vong cho gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 16:02, 22/09/2021
Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 - Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 đã diễn ra chương trình trao trả "kỷ vật" cuối cùng của người nhiễm bệnh Covid-19 đã tử vong với mong muốn chia sẻ mất mát và giúp các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 phần nào vơi bớt nỗi đau.
ThS Trần Thái Sơn - Chánh Văn phòng Trung tâm Hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người mất trong dịch này rất tội nghiệp, không có người thân bên cạnh, không được làm đám tang. Vì vậy Trung tâm có trách nhiệm phải giữ đầy đủ những kỷ vật để trả lại gia đình, như một phần an ủi tới họ.
Tại buổi trao trả kỷ vật cho thân nhân người bệnh Covid-19 tử vong, có những người chồng ôm con đến nhận các vật dụng để lại của vợ; người con gái đến nhận kỷ vật của cha, mẹ… Tất cả họ đều có chung niềm đau mất người thân và thẫn thờ, nghẹn ngào khi nhận lại những vật dụng cuối cùng của người thân đã mất vì Covid-19.
Tại bàn tiếp nhận ở gần cổng, anh Huỳnh Minh Đức (quận 10) ghi thông tin của mình và người mất để nhân viên y tế vào kho tìm kiếm.
"Hơn 2 tuần trước, ba tôi dương tính được đưa vào đây rồi bệnh chuyển biến nặng, không may qua đời. Hôm nay nhận được cuộc gọi từ bệnh viện tới lấy đồ sinh hoạt của ba, tôi vội vàng chạy đến", anh Đức nói.
"Bản thân tôi cũng là một tình nguyện viên F0, cũng đang hỗ trợ cho các bệnh viện khác. Trong thời buổi dịch giã như vậy, mọi người trong gia đình đều nghĩ sẽ không nhận lại được kỷ vật của cha. Nhưng đến khi được Trung tâm Hồi sức tích cực thông báo đến nhận lại kỷ vật, từ tận đáy lòng, tôi xin cám ơn Bệnh viện, cám ơn các thầy thuốc, nhân viên y tế của Trung tâm", anh Đức chia sẻ.
"Ngày vợ tôi nhập viện có mang theo 18 triệu đồng, giờ vẫn còn nguyên cùng với giấy tờ tùy thân và vật dụng cá nhân", anh Trương Minh (quận 1) nói.
Vợ mất cuối tháng 8 khiến anh Minh chịu cảnh "gà trống nuôi 3 con", trong đó đứa út mới 2 tuổi, không người trông nên anh phải bế theo.
Một trường hợp khác, đại diện cho gia đình nhận lại kỷ vật của người anh trai, anh K. xúc động chia sẻ: "Người thân là anh lớn trong gia đình không may qua khỏi là nỗi đau buồn, mất mát rất lớn. Nhưng thời gian vừa qua, khi gia đình cần tìm thông tin thì các nhân viên y tế tại Trung tâm đã rất nhiệt tình hỗ trợ gia đình.
Chuyện đau buồn thì đã xảy ra. Gia đình tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, chúc các y bác sĩ có thật nhiều sức khỏe, để làm tốt công tác chống dịch cho thành phố cũng như cho đất nước".
Theo ThS Trần Thái Sơn, dưới sự chỉ đạo sát sao của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, ngoài công tác chuyên môn, Trung tâm đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và được trở về với gia đình.
Tuy nhiên hết sức đáng tiếc là có những trường hợp, mặc dù các y bác sĩ đã hết sức cố gắng, nhưng cũng không cứu chữa được. Đây là một điều hết sức trăn trở của toàn thể cán bộ viên chức Trung tâm Hồi sức tích cực.
"Hàng ngày, chúng tôi đã chủ động gọi cho toàn bộ gia đình người bệnh đang điều trị ở đây, chủ động thông báo tình trạng, diễn biến bệnh cho người thân. Có những ngày, chúng tôi đã gọi hơn 300 cuộc gọi, ngoài ra cũng tiếp nhận vài trăm cuộc điện thoại người nhà gọi đến hỏi thông tin.
Tất cả người bệnh vào điều trị tại đây đều không có người nhà, do vậy những đồ đạc của người bệnh, chúng tôi phải trông nom, bảo quản, để khi người bệnh được ra viện chúng tôi sẽ trao trả lại, còn với những người bệnh không may tử vong thì Trung tâm cũng sẽ tổ chức những đợt để mời người nhà đến trao trả lại những kỷ vật của người đã mất", ThS Sơn chia sẻ.