Đừng đổ lỗi khi ý thức người dân chưa tốt
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:57, 22/09/2021
Sau gần 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với những biện pháp cứng rắn, quyết liệt, từ ngày 21/9, UBND TP Hà Nội đã quyết định nới lỏng một số hoạt động, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị 15.
Ngay khi quyết định ban ra, sáng sớm 21/9 người dân đã ùn ùn kéo ra đường, giao thông Hà Nội buổi sáng ngay lập tức có “đặc sản tắc đường” và tối 21/9 cũng là Tết Trung thu, hàng ngàn người dân đã bất chấp mọi quy định, Chỉ thị, đổ ra đường để lên phố “ngắm” chị Hằng.
Đành rằng nhu cầu ra đường của người dân rất lớn, đặc biệt là sau gần 2 tháng bị hạn chế rất nhiều do lệnh phong tỏa, giãn cách, nhưng việc ùn ùn kéo ra đường khi TP vẫn đang thực hiện phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15 cho thấy ý thức của nhiều người dân trong phòng, chống dịch chưa cao.
Nhiều người cho rằng, Hà Nội mở cửa thì dân mới ra đường và tại sao chính quyền lại ra quyết định mở cửa vào đúng dịp Trung thu khi mà bài học về 30-4 và 1-5 vẫn còn mới. Xin thưa đó là ngụy biện.
Ngụy biện bởi Hà Nội chỉ điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 15, trong đó cho phép, nới lỏng một số hoạt động chứ đâu đã ra quyết định "mở cửa". Người dân vẫn được yêu cầu chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, không tụ tập quá 10 người nơi công cộng và giữ khoảng cách 2 mét.
Trước khi đưa ra quyết định nới lỏng, điều chỉnh các biện pháp chống dịch, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đưa ra nhận định: “Dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng đối với dịch bệnh thì "không thể nói trước điều gì" và hiện tại thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Hà Nội vẫn còn F0 ngoài cộng đồng dù đã tầm soát diện rộng và chúng ta phải xác định sống chủ động, sống an toàn với Covid-19”.
Ông Phong cho rằng, về tinh thần, tư tưởng trong cả hệ thống của thành phố cũng như người dân đang giống như lò xo bị nén. "Khi mở ra một chút sẽ quá đà. Vì vậy để đảm bảo bền vững thành quả cần nhiều yếu tố trong đó có ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch của người dân, nhất là việc thực hiện khai báo y tế thường xuyên… ".
Thế nên, đừng đổ lỗi cho chính quyền khi mà ý thức người dân còn chưa tốt, đừng đổ lỗi cho chính quyền khi mà bản thân mỗi người dân còn không có ý thức bảo vệ chính mình và gia đình mình.
Trong đám đông hôm qua, bao nhiêu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thậm chí mũi 1 cũng chưa thể phủ hết, đặc biệt trẻ em dưới 18 tuổi còn chưa được tiêm vắc xin. Vậy xin hỏi dịch bệnh có chừa ra không? Và nên nhớ, vắc xin chỉ là để giảm hậu quả nghiêm trọng (mắc nặng, tử vong) nếu chả may có mắc Covid-19, còn tiêm 2 mũi vắc xin không có nghĩa là miễn nhiễm với SARS-CoV-2.
Hơn 17 ngàn người tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam, hơn 1.500 trẻ mồ côi vì Covid-19 tại TP HCM, 10 cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống dịch, mới đây nhất là 2 bác sĩ cũng đã tử vong khi chống dịch tại TP. HCM. Những con số thống kê khô khan, nặng trĩu này chẳng lẽ chưa làm người dân Thủ đô biết sợ hay nghĩ rằng Covid-19 nó chừa mình ra?
Đến thời điểm này, rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm vật lộn với khó khăn, giành giật sự sống cho các F0 (nhất là F0 nặng, rất nặng). Họ không có khái niệm thời gian, không có khái niệm nghỉ ngơi, lấy sức… ngay cả bữa ăn cũng “quên” luôn dù đói lả, giấc ngủ thấp thỏm, chập chờn, những đôi mắt quầng thâm do bao đêm thức trắng.
Bao nhiêu ngày họ chưa được về nhà, bao nhiêu ngày họ rời xa người thân, bố mẹ, vợ chồng, con cái để đi vào tuyến đầu chống dịch. Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn dài và sẽ còn nhiều câu chuyện về sự hy sinh chưa được kể. Ở đó có cả sự hy sinh xương máu, có cả sự hy sinh về thể chất, tình cảm, tinh thần…. Sự hy sinh nào cũng đều thiêng liêng, cao quý và đáng trân trọng.
Suốt gần 2 tháng qua, các cấp chính quyền Hà Nội, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cả lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng chức năng khác đã căng mình, ngày đêm gắng sức để giữ bình yên cho Thủ đô, để Hà Nội không vỡ trận, nhưng có lẽ khi người dân còn chưa nâng cao ý thức của chính mình trong phòng, chống dịch bệnh thì mọi sự nỗ lực, cố gắng suốt những ngày qua của các cơ quan chức năng khác sẽ đổ xuống sông, xuống biển.