30 điểm vẫn trượt đại học: Khổ lắm, nói mãi
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:53, 21/09/2021
Một bức tranh tuyển sinh vẫn còn quá nhiều bất cập và bất thường. 30 điểm/3 môn vẫn có nguy cơ trượt đại học. Cần phải nhắc lại rằng, đây là điểm số tuyệt đối. Người ta đang nói nhiều đến 2 từ “nghịch lý”. Nghịch lý đến mức vô lý trong kỳ tuyển sinh đại học từ năm 2017, nhưng cho đến tận năm nay nó lại được lặp lại.
30 điểm, người ta gọi đây là số điểm tuyệt đối. Vậy thì số điểm 30,5 nên được gọi là số điểm gì?
Một kỳ tuyển sinh mà các trường đã thỏa mãn tiêu chí về phổ điểm chuẩn quá đẹp. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, điểm thì đẹp đấy nhưng chưa chắc đã tuyển “đúng người”. Đây chẳng phải là một nhận định vô lý?
Và nếu theo dõi một mùa tuyển sinh như thế này, liệu có còn ai không tin vào chuyện “học tài thi phận” hay không? Điểm tuyệt đối vẫn có thể trượt đại học. Đơn giản vì điểm tuyệt đối chứ không phải là điểm chuẩn. Người ta nói may hơn khôn, trong trường hợp này quả là rất đúng.
Các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục đã lý giải rất nhiều nguyên nhân khiến bức tranh tuyển sinh năm nay biến động. Điểm rất cao, thí sinh rất đông, còn chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào thì có hạn. Do đó, 165 thí sinh có kết quả thi Tốt nghiệp THPT trên 27 điểm cho tổng 3 môn thi (chưa tính điểm ưu tiên) nhưng vẫn “trắng tay” trước tất cả các nguyện vọng.
Trước nghịch cảnh đó, Bộ Giáo dục đánh tiếng tới các trường với hi vọng quăng ra một cái “phao” để cứu những thí sinh “trắng tay” này dù các em có điểm thi cao chót vót. Rõ ràng, đây không nên trở thành một hoạt động thường niên của Bộ sau mỗi mùa tuyển sinh kết thúc.
Sau 6 năm thay đổi hình thức thi THPT, xét tuyển đại học, đề thi theo hướng chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, chúng ta đã nhìn ra những bất cập. Đề thi chưa thực sự chuẩn hóa, phân hóa một cách rõ rệt để đủ khả năng phân loại được thí sinh. Những điểm 9, điểm 10 nhiều như sao sa và xuất hiện những ngành chỉ có “siêu nhân” trên 30 điểm mới trúng tuyển đã phơi bày thực trạng này.
Bên cạnh đó, những nguyên tắc về tiêu chí phụ, trong đó việc cộng điểm ưu tiên có vẻ như bất hợp lý. Điểm ưu tiên cho những trường hợp thuộc đối tượng chính sách là điều không phải bàn cãi. Nhưng nếu cộng dồn vào để vượt cả điểm tuyệt đối, và lấy đó làm điểm chuẩn thì rất vô lý và nực cười.
Thêm nữa, bức tranh tuyển sinh năm nay cũng cho thấy sự mất cân đối giữa các ngành nghề. Thí sinh có xu hướng nộp nguyện vọng vào một nhóm ngành duy nhất như một phong trào và bỏ đi quyền đăng ký nguyện vọng khác. Nó đặt ra dấu hỏi về chất lượng công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh.
Dẫu sao, trong bối cảnh khó khăn rất lớn vì đại dịch, mùa tuyển sinh thành công là điều rất đáng mừng cho ngành giáo dục và là niềm vui chung của cả xã hội.
Hi vọng, ngành giáo dục sẽ sớm có giải pháp khắc phục những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” để mùa tuyển sinh năm sau không còn những tiếng thở dài.