Ngành GD&ĐT đồng hành cùng học sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 16:26, 20/09/2021
Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức giáo dục dưới hình thức giảng dạy trực tuyến. Trong đó, dạy học trực tuyến là phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên cần áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học...
Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới. Tại Việt Nam, nhiều địa phương trên cả nước chưa thể tiếp tục theo phương thức dạy học trực tiếp và chuyển sang học theo phương pháp dạy học trực tuyến. Học trực tuyến là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay mà sẽ là xu hướng mà giáo dục cần tiến tới.
Cụ thể, việc triển khai dạy từ xa sẽ được thực hiện thông qua nhiều hình thức, học liệu cung cấp cho học sinh dưới nhiều định dạng như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, đa phương tiện… tương thích với nhiều loại thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng…).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, ngành GD & ĐT ở nước ta đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi, điều chỉnh các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy-học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh, sinh viên được học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch Covid-19; đồng thời thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến còn có sự lúng túng. Điều này tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự dạy tốt hay có kỹ năng truyền đạt tốt, điều đó dẫn tới sẽ có một số giảng viên giảng tốt, và nhiều người không tốt. Có thể cùng 1 nội dung kiến thức nhưng người giảng khác nhau sẽ đem tới cảm nhận khác nhau cho học viên.
Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang nỗ lực khắc phục, vượt qua.
Đồng hành cùng học sinh nghèo
Đối với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, đào tạo trực tuyến là cách tốt nhất để giảng dạy học sinh, sinh viên trong bối cảnh cách ly tại nhà. Nhưng nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có đường truyền kết nối internet ổn định, nên để đảm bảo tính liên tục của giáo dục thông qua phương thức học từ xa đã trở thành một thách thức.
Để cùng học sinh nghèo vượt qua đại dịch thì Chính phủ, ngành GD & ĐT, xã hội đã cùng chung tay có những việc làm thiết thực và vô cùng ý nghĩa để hỗ trợ công nghệ cho học sinh đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Sóng và Máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh. Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ, người nhiều người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con em mình, với tương lai đất nước mình.
Khẳng định, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, Thủ tướng cho rằng: “Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số”.
Tại lễ phát động, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TTTT và Bộ GDĐT, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Năm 2021, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động.
Đồng thời, sẽ chú ý các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ an toàn và giữ gìn sức khỏe cho học sinh trong thời gian học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine cho học sinh sớm nhất khi điều kiện cho phép, đảm bảo mở cửa trường học an toàn.
Với sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, ngành GD & ĐT, và sự chung tay của cộng đồng thì ngành giáo dục đã đạt được những kết quả an toàn trong công tác dạy-học, song song với đó là công tác phòng, chống dịch bệnh.