Dự báo giá đường tăng đến hết năm 2022

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:44, 20/09/2021

Đánh giá về giá mía đường trong thời gian tới, theo SSI Research, giá đường có thể tiếp tục tăng cho tới năm 2022, do dự kiến thế giới thiếu hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.

Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm 5%. Brazil là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021) do thời tiết khô hạn. Sản lượng dự trữ trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh trong niên vụ 2018-2019 (53,1 triệu tấn) xuống còn 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021 và có thể giảm tiếp về mức tương đương niên vụ 2016-17, theo ước tính thiếu hụt trong niên vụ tới.

gia-mia-duong.jpg
Dự báo giá đường có thể tăng đến hết năm 2022

Giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Theo Business Insider, giá ethanol đã tăng 55% so với đầu năm.

Trong khu vực, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 80-90 triệu tấn mía trong niên vụ 2021-2022, theo Thai Sugar Millers Corporation (TSMC). Mức này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 21% -36% so với cùng kỳ, và là mức sản lượng khá thấp so với giai đoạn 2017-2019.

Giá đường thô thế giới gần đây đã tăng mạnh về mức của niên vụ 2016-2017 (khoảng 20 cents/lbs) khi dự báo tồn kho cuối vụ 2021-2022 sẽ quay về mức tương đương cuối vụ 2016-2017.

Giá đường trong nước của Việt Nam đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá đường Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%. Vào cuối năm 2020, giá đường của Việt Nam thấp hơn giá đường khu vực khoảng 27% -39%. Trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022.

Kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15 nghìn tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183 nghìn tấn trong tháng 4/2020. Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách 'quá cảnh' ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam. VSSA đã nộp hồ sơ đề nghị điều tra lẩn tránh thuế AD&AS đối với đường Thái Lan lên Cục phòng vệ thương mại; kết quả điều ra có thể là một yếu tố hỗ trợ ngành.

Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới. Trong niên vụ 2021-2022, VSSA dự kiến diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ và việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo do nông dân thu được lợi nhuận từ vụ mía.

Về định giá, ngành mía đường trong 5 năm qua được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan, điều này không khuyến khích nông dân trồng mía, khiến công suất hoạt động của các nhà máy đường xuống mức thấp kỷ lục. Định giá đã có dấu hiệu phục hồi do thuế AD&AS mang lại hy vọng tăng trưởng trong dài hạn. SSI Research tin rằng việc định giá lại đã và đang diễn ra và các nhà sản xuất đường có thể tận hưởng tăng trưởng trong dài hạn, khi nông dân được khích lệ trồng mía trở lại.

Tuy nhiên, ngành đường vẫn đối diện với rủi ro về đường nhập lậu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung. Giá đường thế giới có thể đảo chiều do giá đường trong nước có xu hướng giảm.

Trang Nhi