Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của Quân đội qua ký ức nhà văn Lê Lựu

Chính trị - Ngày đăng : 17:57, 22/12/2014

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của quân đội Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng với Nhà văn Lê Lựu, những kỷ niệm, ân tình, bài học Đại tướng dành cho ông đã trở thành những ký ức vô giá khiến ông không lúc nào nguôi về Người.

Tôi gặp nhà văn Lê Lựu vào một buổi sáng chớm đông, tiết trời Hà Nội se se lạnh, dăm ba câu chuyện nhỏ, chúng tôi lập tức đã bị cuốn vào ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là "người bạn lớn" của nhà văn. 

Niềm vui gặp gỡ

Trong một xúc cảm mơ hồ đầy trìu mến, nhà văn Lê Lựu kể về lần đầu tiên được nhìn thấy Người Anh cả của quân đội Việt Nam ngoài đời. Lúc ấy nhà văn còn trẻ lắm, mới 21 tuổi, đi Đại hội Toàn quân được gặp Đại tướng và Bác Nguyễn Chí Thanh, niềm vui sướng, tự hào không kể xiết. Nhà văn đã đi gần hết Vùng Cát Hải - Cát Bà hân hoan kể với từng người đã được trông thấy Đại tướng bằng xương bằng thịt, chứ không phải như lần trước, chỉ được nhìn Đại tướng trên đỉnh đồi cách xa hàng cây số. Nhưng ông còn tiếc mãi một điều là chưa được nói chuyện với Đại tướng.

Rồi niềm mong ấy ông cũng được toại nguyện vào lần thứ 3 gặp Đại tướng trong hầm chữ A, ông lúc ấy với tư cách là phóng viên Báo Quân Bạch Đằng chỉ với cấp hàm hạ sĩ, được Đại tướng hỏi han trò chuyện như người quen từ lâu, thấy mình được vinh dự lớn lao quá.

Vinh dự cuộc đời

Như một cái duyên cũng là vinh dự nhất của cuộc đời nhà văn là suốt quãng đời sau này, Đại tướng đã coi ông như một người cháu, người em, một người bạn nhỏ, bảo ban dìu dắt từng việc. Nhớ năm 1983, ông cùng với nhà thơ Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa gặp Đại tướng tại nhà riêng để viết bài "Hỏi chuyện anh Văn" nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi phỏng vấn xong, nhà văn đã gửi bản thảo cho Đại tướng đọc. Bài phỏng vấn bị Đại tướng gạch đi một câu nhạy cảm, khiến nhà văn “bức xúc” không còn giữ được bình tĩnh, thậm chí đã phản ứng gay gắt, chất vấn Đại tướng là tại sao lại gạch câu ấy đi. Đại tướng nghe xong chỉ cười, không những không giận, mà còn mời nhà văn đến nhà, khoác tay đi bộ một vòng trong vườn, rồi từ từ nói “Có nhiều cái mình phải vì cái chung Lựu à. Nếu vì cái riêng của mình, nói ra ảnh hưởng đến cái chung thì tốt nhất là không nên nói”.

Trong lòng Đại tướng cũng có nhiều tâm sự, nhưng dường như Người luôn giữ kín, không muốn vì việc của mình ảnh hưởng đến việc chung, Đại tướng còn nói thêm với nhà văn một cách chân tình: “Cậu thông cảm, mình làm tuyên huấn từ năm 16 tuổi, có những điều cần phải nói ra, không nên nói ngay, và lúc nào cần nói”.

Bài phỏng vấn "Hỏi chuyện anh Văn" sau đó in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội đầu tháng 5/1994. Và câu nói ấy của Đại tướng có lẽ đến ngày hôm nay, khi mái đầu đã bạc, nhà văn vẫn còn thấm thía.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của Quân đội qua ký ức nhà văn Lê Lựu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà văn Lê Lựu (phải), nhà thơ Anh Ngọc (áo trắng) vàTrần Đăng Khoa

Lê Lựu cũng không nhớ hết được bao nhiêu lần được gặp Đại tướng, nhưng ông lại không quên cuộc gặp nào, bởi lẽ, cuộc gặp nào ông cũng có thêm cho mình những bài học to, bài học nhỏ. Có cả những bài học có quyết định như bước ngoặt cuộc đời nhà văn. Ấy là chuyện ông trở thành Giám đốc Trung tâm văn hóa Doanh nhân bây giờ.

Vốn là con người của văn chương, nhà văn đã đi qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn chuyển mình của đất nước, cảm nhận sâu sắc nhịp thở trong đó có cả cái chân chất, nỗi vất vả cực nhọc của nhiều làng quê Việt Nam, từng cái nghiệt ngã, khốn đốn vì miếng cơm manh áo của nhiều tri thức nửa mùa; đồng thời cũng là người lính - nhà báo trưởng thành, tôi luyện từ chiến trường ác liệt, ông thấm thía sự hy sinh xương máu của chiến tranh ngày hôm qua và thấu hiểu cái khắc nghiệt, cái giá phải trả của thời bình để vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ khi đất nước đi qua chiến tranh.

Đau xót trước cảnh, những người đi đầu tìm mọi cách làm ra của cải cho đất nước trong những năm đầu mở cửa lại bị cho là “con buôn”. Doanh nhân thời bấy giờ là điều gì đó đáng xấu hổ, có hại cho đất nước cần phải tẩy chay. Ông thấy đau xót  cho những “con buôn” mà ông biết chắc rằng, họ sẽ chính là lực lượng quan trọng để phát triển đất nước trong thời đại mới. Ông trăn trở phải làm sao để xã hội hiểu và tôn trọng giá trị đích thực của họ - nỗi trăn trở của người muốn làm điều gì đó nhỏ bé thôi để cái to tát được nảy mầm.

Ý định chưa thành nhà văn đã gặp nhiều áp lực, ngay cả những nhân vật ở vị trí quan trọng cũng căn vặn Nhà văn - hiểu gì về Doanh nhân? Hoang mang trăn trở, người nhà văn nghĩ đến để chia sẻ những suy nghĩ của mình không ai khác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đầu óc ông đã như bừng sáng thêm khi được Đại tướng phân tích: “Doanh nhân không những là chiến sĩ, mà còn có thể coi họ như dũng sĩ làm ra của cải làm giàu cho đất nước” rồi Đại tướng động viên nhà văn "Lựu cứ hăng hái, mạnh dạn mà làm”.

Có động lực rồi ông quyết tâm đấu tranh, gây dựng bằng được tổ chức đề cao khẳng định được vai trò, giá trị của doanh nhân, thế là Trung  tâm văn hóa Doanh nhân chính thức được ra đời. Ngày thành lập, Đại tướng gửi thư chúc mừng. Bức thư ấy luôn được nhà văn đặt vào chỗ trang trọng nhất. Ông vẫn khắc cốt ghi xương một điều: Không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã không có Trung tâm văn hóa Doanh nhân ngày hôm nay. Lời chỉ bảo của Đại tướng không chỉ giúp nhà văn đi tiếp con đường đã chọn của mình, mà ông cho rằng, giới doanh nhân Việt Nam phải chịu ơn Đại tướng về điều này.

Còn mãi một Danh nhân văn hóa

Nhắc đến chuyện Đại tướng đã ra đi, nhà văn Lê Lựu vẫn bàng hoàng như ngày nào, nỗi đau vỡ òa theo những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông đã chịu không ít nỗi đau, ông cùng tập thể cán bộ Trung tâm Văn hóa Doanh nhân khắc ghi hình ảnh Đại tướng như một Danh nhân văn hóa.

Với ông và nhiều người dân trong nước và quốc tế, không ai là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất sắc hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã kế thừa trọn vẹn tư tưởng văn hóa và chuyển hóa linh hoạt trong thực tiễn chiến tranh và xây dựng đất nước, người luôn đề cao hòa bình trên những trận tuyến đối địch, người luôn lấy chữ Nhân ái để hành động, lấy chữ Nhẫn làm đầu trong hành xử, cả đời thanh bạch với 4 chữ “Dĩ công vô thượng”. Điều ấy không chỉ có ông và những người hiểu về văn hóa mới có thể đong đếm được, mà tấm lòng của dân tộc khi Đại tướng ra đi đã minh chứng hùng hồn điều ấy.

“Vẫn biết Bác là người sống trong lòng nhân loại muôn đời nhưng hôm nay nghe tin Bác đi xa, cháu vẫn thấy bàng hoàng, đau đớn vô cùng. Cháu xin hứa sẽ rèn luyện, học tập nhân cách sống của Bác để thành người. Vĩnh biệt Bác". Nhà văn đã viết những lời ấy vào sổ tang ngày tiễn biệt Đại tướng.

Tôi bất chợt lạ về một con người đã qua cái tuổi “thấp thập cổ la hi” để bước đến tuổi xưa nay hiếm khi tận mắt chứng kiến nhà văn khóc quặn từng cơn như nấc vào lòng, lúc lại òa vỡ như một đứa trẻ khi nhắc lại chuyện Đại tướng, tôi mới hiểu sâu sắc những điều ấy. Và chính cuộc đời đầy sóng gió tai ương của mình, nhà văn vẫn mong học được phần nào chữ Nhẫn ở Đại tướng để có 2 chữ Bình an cho cuộc đời mình.

2 bài học lớn doanh nhân cần học ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
- Sự sáng suốt: Luôn sáng suốt, làm những điều có lợi cho dân cho nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, muốn vậy mỗi người cần học cách phân tích, điều tra kỹ tình hình kinh tế, thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh; xác định rõ cơ hội, thách thức. Đồng thời biết nhanh nhạy, phát huy lợi thế của doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Doanh nhân cũng cần đặc biệt chú trọng đạo đức kinh doanh, hành xử có văn hóa với khách hàng và đối tác; xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì người lao động và vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và môi trường.
- Sự nhẫn nại và kiên cường: Kiên nhẫn vượt qua những khó khăn thử thách trong kinh doanh, những sóng gió cam go của đời thường; kiên cường, không chịu khuất phục sự vùi dập của các thế lực đen tối, những nhóm lợi ích để dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công - Nhà văn Lê Lựu.

 

Thu Vân