Tin vắn thế giới ngày 17/9: EU thành lập cơ quan xử lý khủng hoảng y tế phòng chống đại dịch trong tương lai
Chuyển động - Ngày đăng : 07:30, 17/09/2021
EU thành lập cơ quan xử lý khủng hoảng y tế để phòng chống đại dịch trong tương lai
Ngày 16/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã cho ra mắt cơ quan xử lý khủng hoảng y tế để ứng phó với đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Theo đó, Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế (HERA) sẽ có nhiệm vụ đánh giá các mối đe dọa tiềm ẩn về y tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đảm bảo dây chuyền sản xuất quan trọng và hỗ trợ xây dựng các kho dự trữ.
EC nêu rõ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế, HERA sẽ kích hoạt việc cấp ngân sách khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ điều phối giám sát, mua sắm thiết bị y tế hoặc thuốc điều trị.
Cuba xin cấp phép 2 loại vaccine tại WHO
Cuba ngày 15/9 thông báo sẽ xúc tiến quy trình xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 Abdala và Soberana tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích sớm thương mại hóa rộng khắp 2 loại vaccine này. Theo kế hoạch, các chuyên gia của Cuba, Mỹ và WHO nhóm họp trực tuyến bàn về quy trình vào ngày 16/9.
WHO: Châu Phi có thể vỡ kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân số trong năm nay
Ngày 16/9, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti, cho biết mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số châu Phi vào tháng 12 này sẽ khó thành hiện thực trong bối cảnh châu lục đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gần 500 triệu liều vaccine.
Hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19
Trung Quốc đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 tỷ người (trên 70% dân số), vượt trước Mỹ và châu Âu, song chưa có kế hoạch nới lỏng các lệnh kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Trả lời phóng viên tại Bắc Kinh ngày 16/9, ông Mi Feng, người phát ngôn của Uỷ ban Y tế Quốc gia, cho hay Trung Quốc đã tiêm tổng cộng 2,16 tỷ liều vaccine và tiêm đầy đủ hai liều cho 1,01 tỷ người.
Khoảng 3.000 nhân viên y tế tại Pháp bị buộc thôi việc do không tiêm vaccine
Ngày 16/9, Chính phủ Pháp cho biết khoảng 3.000 nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế buộc phải thôi việc do những người này không tuân thủ quy định tiêm vaccine phòng COVID-19.
Quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên tại các cơ sở y tế ở Pháp đã có hiệu lực từ ngày 15/9. Theo nhật báo địa phương Nice Matin, gần 450 trong tổng số 7.500 nhân viên y tế tại một bệnh viện tại thành phố Nice đã bị nghỉ việc.
Philippines phong tỏa theo vùng nhằm cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại
Ngày 16/9, nhà hàng, các tiệm cắt tóc và doanh nghiệp nhỏ tại Vùng đô thị Manila của Philippines đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh chính phủ nước này triển khai thí điểm phong tỏa cục bộ.
Các nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời với 30% công suất và trong nhà hàng với các nhóm nhỏ hơn đã tiêm chủng đầy đủ. Các cuộc tụ họp tôn giáo và các dịch vụ chăm sóc cá nhân sẽ được phép hoạt động ở mức công suất tương tự.
Israel: Người dân vào bể bơi công cộng không cần chứng nhận miễn dịch
Quốc hội Israel (Knesset) vừa thông qua đề xuất của chính phủ điều chỉnh một số quy định phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cho phép người dân vào bể bơi công cộng không cần chứng nhận miễn dịch kể từ ngày 16/9, đồng thời gia hạn theo dõi điện tử với những người bị cách ly.
Đồng thời Knesset cũng yêu cầu chính phủ nghiên cứu bãi bỏ các quy định giấy phép đối với các tụ điểm công cộng khác. Liên quan đến ngày lễ Yom Kippur, các địa điểm cầu nguyện có sức chứa dưới 50 người sẽ phải treo biển không yêu cầu kiểm tra “thẻ Xanh”.
Giáo sư Mỹ đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn học đường
Trong bối cảnh các trường học ở Mỹ đã mở cửa trở lại và bước vào năm học mới, Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y tế công thuộc Đại học George Washington, đã đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trong đại dịch COVID-19.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, Tiến sĩ Wen cho rằng tất cả những người đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19, từ cha mẹ học sinh, giáo viên, nhân viên trường học đến thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, hãy tiêm khi có thể. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị thực hiện xét nghiệm ít nhất 1 lần/tuần đối với những trẻ em chưa tiêm phòng ở các khu vực có nguy cơ cao.
Nhật Bản sẽ sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế xã hội
Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân.
Theo đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…
Thêm nhiều lĩnh vực kinh tế ở Malaysia được hoạt động trở lại
Từ ngày 17/9 sẽ có thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia được phép hoạt động trở lại, kể cả ở những bang đang trong giai đoạn I của Kế hoạch phục hồi quốc gia. Ở giai đoạn I các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 60% công suất nếu có 40% số nhân viên đã hoàn thành tiêm chủng. Nếu toàn bộ số nhân viên đã được tiêm phòng thì sẽ được hoạt động 100% công suất.
Thủ tướng Ismail Sabri ngày 16/9 cho biết các cửa hàng và dịch vụ như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em sẽ được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thảm, mỹ phẩm, thuốc lá, vốn được cho là những lĩnh vực kinh tế không thiết yếu trước đây, nay được phép mở cửa trở lại.
Campuchia mở cửa trở lại các trường học
Sau hơn 7 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, từ đầu tuần này, gần 2.000 trường học tại 9 tỉnh và thủ đô Phnom Penh đã mở cửa đón học sinh trở lại.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 15/9 cho biết để mở cửa trở lại trường học một cách an toàn, các giáo viên sẽ được tiến hành xét nghiệm COVID-19 hằng tháng, trong khi học sinh cũng sẽ được xét nghiệm nếu bị sốt hoặc có các triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Trên 139 triệu người bị ảnh hưởng do khủng hoảng khí hậu, đại dịch COVID-19
Ngày 16/9, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã công bố phân tích cho thấy, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các thảm họa liên quan đến khí hậu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 139,2 triệu người và giết chết hơn 17.242 người.
Đây là phát hiện mới của IFRC và Trung tâm khí hậu trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ về tác động tổng hợp của các hiện tượng thời tiết cực đoan và COVID-19. Theo đó, ước tính có khoảng 658,1 triệu người dễ bị tổn thương đã phải tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt.
Đợt nhiễm virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi đã chấm dứt
Ngày 16/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt nhiễm virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi, một bệnh sốt xuất huyết gây chết người gần tương đương virus Ebola, đã chính thức chấm dứt, 42 ngày sau khi xác định được ca bệnh đầu tiên và duy nhất ở Guinea.
ASEAN trao hàng cứu trợ COVID-19 cho Myanmar
Ngày 15/9, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đã trao số vật tư và thiết bị y tế trị giá 1,1 triệu USD cho Hội chữ thập Đỏ Myanmar (MRCS) nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Đây là đợt trao hỗ trợ nhân đạo đầu tiên của ASEAN dành cho Myanmar sau Hội nghị trực tuyến huy động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ngày 18/8 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cùng đại diện của nhiều đối tác.
Thủ tướng Anh: Quan hệ với Pháp vẫn 'vững như bàn thạch' sau vụ hợp đồng tàu ngầm
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/9 khẳng định quan hệ Anh - Pháp vẫn "vững như bàn thạch", bất chấp sự kiện Anh với Mỹ ký hợp đồng sản xuất tàu ngầm với Australia khiến Pháp mất đi hợp đồng tương tự đã ký của mình.
Trước đó, Pháp đã phản ứng tức giận trước thông tin đối tác AUKUS (Anh - Mỹ - Australia) giúp Canberra có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD đã ký với Paris.
EU kêu gọi cải tổ khẩn cấp WTO
Ngày 16/9, trong chuyến thăm Geneva và gặp gỡ Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, Phó Chủ tịch điều hành ECValdis Dombrovskis đã kêu gọi cải tổ khẩn cấp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông khẳng định sẵn sàng xem xét những cải cách lớn đối với hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại.
Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Ngày 16/9, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã gửi đơn xin gia nhập tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.
Đại diện đặc biệt của LHQ gặp quan chức cấp cao chính phủ lâm thời Afghanistan
Ngày 16/9, người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen cho biết Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ lâm thời của Afghanistan, ông Sirajuddin Haqqani, đã có cuộc gặp với Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Afghanistan Deborah Lyons để thảo luận vấn đề viện trợ nhân đạo.
Trong thông báo trên Twitter, người phát ngôn trên nêu rõ, tại cuộc gặp trước đó một ngày, ông Haqqani khẳng định các nhân viên của LHQ có thể tiến hành hoạt động cứu trợ, cung cấp viện trợ thiết yếu cho người dân Afghanistan “mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
Trung Quốc từ chối cho chiến hạm Đức cập cảng
Kênh DW (Đức) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr ngày 15/9 thông báo: “Sau một thời gian cân nhắc, Trung Quốc quyết định không muốn tàu khu trục Bayern của chúng ta ghé thăm cảng và chúng tôi đã ghi nhận điều đó”.
Chiến hạm Bayern đã rời cảng ở Wilhelmshaven vào ngày 2/8 để thực hiện hải trình kéo dài 6 tháng đến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong quãng thời gian này, Bayern dự kiến di chuyển qua Biển Đông.
Cảnh sát Hàn Quốc nghiên cứu sử dụng robot tuần tra đường phố
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) ngày 16/9 cho biết đã thành lập lực lượng đặc trách xây dựng chiến lược an ninh công cộng trong trung và dài hạn phòng chống các loại hình tội phạm mới dựa trên công nghệ hiện đại.
Lực lượng này sẽ xem xét các cách sử dụng công nghệ để truy quét và ngăn chặn các loại hình tội phạm mới, bao gồm cả việc ứng dụng robot để tăng cường tuần tra đường phố.
Nghị viện châu Âu yêu cầu chấm dứt thí nghiệm khoa học trên động vật
Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16/9 thông qua nghị quyết yêu cầu EU tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng động vật trong các nghiên cứu khoa học. Các nghị sĩ cũng đề xuất lập quỹ trung và dài hạn đủ để đảm bảo việc nhanh chóng phát triển, hợp lý hóa và áp dụng các biện pháp thí nghiệm thay thế.
Cảnh báo núi lửa phun trào tại quần đảo Canary
Nhà chức trách tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã cảnh báo sự gia tăng đột biến về hoạt động địa chất có thể dẫn tới một vụ núi lửa phun trào trong nhiều ngày tới hoặc nhiều tuần tới tại đảo Palma thuộc quần đảo này.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Viện địa lý quốc gia Tây Ban Nha phát hiện 4.222 chấn động tại công viên quốc gia Cumbre Vieja, xung quanh khu vực núi lửa Teneguia ở cực Nam của đảo Palma. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là chuỗi động đất (earthquake swarm).
Động đất làm rung chuyển miền Trung Nhật Bản
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) trận động đất xảy ra vào khoảng 18h42 (giờ địa phương) ngày 16/9 ở Suzu, tỉnh Ishikawa. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km thuộc khu vực Noto.
Không có cảnh báo sóng thần được đưa ra cũng như không xảy ra bất ổn ở các nhà máy hạt nhân trong khu vực sau trận động đất này.