Các cơ quan Nội chính là lá chắn vững chắc bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn kỷ cương xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 17:41, 15/09/2021

Các cơ quan Nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
khong-de-cac-the-luc-thu-dich-huong-lai-he-thong-phap-luat-cu-ta-di-con-duong-khac.jpg
Tổng Bí thư: Các cơ quan Nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, diễn ra ngày 15/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan Nội chính trong hệ thống chính trị. Đồng thời, Tổng Bí thư nêu rõ, nhiệm vụ chung, bao trùm của các cơ quan Nội chính là tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh - trật tự; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tổng Bí thư đánh giá, thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan Nội chính đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, trong hoạt động của các cơ quan Nội chính thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Những hạn chế và khuyết điểm đó đòi hỏi các cơ quan Nội chính phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.

Trên tinh thần đồng tình, thống nhất cao về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới mà Báo cáo đã nêu, cũng như ý kiến phát biểu tham luận trách nhiệm, tâm huyết của nhiều đại biểu, Tổng Bí thư lưu ý thêm một số nội dung quan trọng.

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong các cơ quan Nội chính cũng như với các cấp, ngành

Thứ nhất, các cơ quan Nội chính phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; dự báo đúng tình hình, tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp kịp thời; có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ, bài bản, khoa học.

Theo Tổng Bí thư, các cơ quan Nội chính có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, lĩnh vực hoạt động rất trọng yếu, liên quan hầu hết và trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội; do đó, chúng ta phải luôn luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải "đúng vai thuộc bài", thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt là phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho mình.

Phải chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình; nhận diện rõ các nguy cơ, đe doạ đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, giải pháp có tính chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; phân công, tổ chức công việc cụ thể, khoa học; xây dựng chương trình hành động để kịp thời cụ thể hoá, thể chế hoá, hiện thực hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính một cách chặt chẽ, bài bản, lớp lang; tránh tình trạng làm hình thức, theo kiểu "phong trào", được chăng hay chớ, lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, "đầu voi đuôi chuột". Chú trọng tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận đối với từng lĩnh vực công tác của mỗi cơ quan Nội chính.

Thứ hai, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư nêu rõ, tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải luôn luôn cảnh giác, nhạy bén, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta "Dựng nước đi đôi với giữ nước", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị. Chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, những bức xúc, khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp và ứng phó nhanh với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống; tuyệt đối không được chủ quan để bị động, bất ngờ.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh đủ khả năng huy động xử lý có hiệu quả các tình huống nẩy sinh; tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các chiến lược quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”…

Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; từng bước đẩy lùi các loại tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, ma tuý, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tính xã hội đen… Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần tập trung triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, chủ động ngăn ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, không được để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành các "điểm nóng" về an ninh trật tự.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, "hiệp đồng tác chiến" giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan Nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.

Nhiệm vụ công tác nội chính hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; lại thường xuyên đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là "lợi ích nhóm", nó chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong khối Nội chính phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau và với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; giữa Trung ương với địa phương; giữa Công an với Quân đội; giữa các cơ quan tố tụng với nhau; giữa nội chính, kiểm tra của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa giám sát của Đảng với giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị

Tổng Bí thư chỉ rõ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là "dĩ hoà vi quý", nhân nhượng, thoả hiệp vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ. Chúng ta phải là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ với nhau như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết là sức mạnh; cách mạng nhờ đoàn kết mà thắng lợi; kháng chiến nhờ đoàn kết mà thành công".

Trong thực thi nhiệm vụ, phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đồng chí, anh em; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết; khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; mọi vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục, trên tinh thần đồng chí, anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng. Nếu qua trao đổi, họp bàn vẫn chưa thống nhất được, thì vận dụng cơ chế phối hợp, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các vụ án, vụ việc như chúng ta đã và đang làm rất có hiệu quả trong thời gian qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng thời hết sức lưu ý không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, rêu rao là chúng ta đấu đá, mâu thuẫn nội bộ.

Không để các thế lực thù địch hướng lái hệ thống pháp luật của ta đi con đường khác

Thứ tư, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư lưu ý, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề có tính nguyên tắc, rất hệ trọng, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hơn ai hết, các cơ quan Nội chính phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vấn đề này, làm rõ và từng bước bổ sung, đổi mới cả về tư duy và nhận thức trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng thời phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống pháp luật của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Cùng với việc làm tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật, việc tổ chức thi hành pháp luật cũng đang là một vấn đề cấp bách hiện nay. Do vậy, phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; bảo đảm thượng tôn pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ luật, kỷ cương trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong đời sống xã hội và trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng cục bộ, "phép vua thua lệ làng", thói quen tuỳ tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

“Các đồng chí cần tập trung tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo âm mưu "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không?… Các đồng chí phải là "tai mắt" của Đảng, phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời phải chủ động tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, hoạt động nội chính, trong đó có hoạt động tư pháp, phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Do đó, cần tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Thứ năm, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Xác định tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, Tổng Bí thư nêu rõ, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai. Phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không để ung thành hoạ; phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã dạy. Phải gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; đồng thời làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Thứ sáu, tôn trọng Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, học hỏi Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong mọi công việc, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dân là gốc", "phải gần dân, giúp dân, học dân"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các cơ quan nội chính phải luôn luôn đề cao tinh thần phục vụ Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, "dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Phải kiên quyết loại bỏ thái độ bàng quan, vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân; kiên quyết loại bỏ mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, Quân đội của chúng ta là Quân đội nhân dân, Công an là Công an nhân dân, Viện kiểm sát là Viện kiểm sát nhân dân, Toà án là Toà án nhân dân, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, … có nghĩa là chúng ta đều là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn gắn bó với Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải tránh, phải cương quyết ngăn ngừa; thậm chí ai vi phạm thì phải bị trừng trị.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất

Thứ bảy, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, thu gọn đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nội chính. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả mọi tác động tiêu cực, không trong sáng vào hoạt động của các cơ quan này. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong các cơ quan Nội chính.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Theo Tổng Bí thư, công tác nội chính phải thường xuyên đối mặt với những thách thức, tiêu cực trong xã hội, những môi trường nhạy cảm, khiến con người rất dễ bị mua chuộc, sa ngã, "nhúng chàm". Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan Nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực; và đặc biệt, bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan "phụng công thủ pháp", chí công vô tư; phải là những "bao công" trong thời đại mới.

"Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính. Trong mọi hoàn cảnh, phải luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; phải luôn tiên phong, xung kích đi đầu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ, "Còn Đảng thì còn mình", xứng danh là "thanh bảo kiếm" sắc bén, "lá chắn" thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân", Tổng Bí thư phát biểu.

Đồng thời Tổng Bí thư cũng nêu rõ, muốn làm được điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".

Cùng với đó, phải kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm việc "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan Nội chính các cấp.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy và tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ của ngành Nội chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành Nội chính hoàn thành tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa trọng trách của mình trước yêu cầu mới của giai đoạn mới.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan Nội chính sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công, xung kích đi đầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng, biến đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh.

Trọng Bằng