Chánh án Lê Hồng Quang: Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay

Tòa án - Ngày đăng : 21:10, 14/09/2021

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Công lý, khi đề cập về tầm quan trọng của việc áp dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của Toà án, ông Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, dù hệ thống CNTT có thông minh và hiện đại đến đâu thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng.



chanh-an-toa-quang-tri(1).jpg
Đồng chí Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị

 PV: Thưa Chánh án, hệ thống Tòa án hiện đặc biệt chú trọng tới việc ứng dụng CNTT, đẩy mạnh các phiên tòa điện tử, cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục giấy tờ… để giúp người dân giảm thời gian, công sức khi tham gia các vụ xét xử. Xin ông chia sẻ một số thành công trong ứng dụng CNTT tại TAND tỉnh Quảng Trị!

Chánh án Lê Hồng Quang: Chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được TANDTC xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình cải cách hành chính tư pháp, để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã không ngừng triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống CNTT, bước đầu giúp cho các hoạt động của Tòa án được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hơn, giảm bớt khối lượng công việc hành chính của Tòa án.

Cụ thể, bằng nguồn kinh phí trang cấp và sự hỗ trợ của đơn vị bạn, đơn vị đã trang bị tương đối đầy đủ máy vi tính, máy in, máy scan, máy photocopy chuyên dùng tốc độ cao. Kết nối đường truyền Internet kết hợp mạng wifi phủ sóng toàn bộ trụ sở. Hệ thống âm thanh, camera lắp đặt tại các hội trường xét xử đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, xây dựng hệ thống truyền hình phiên tòa trực tuyến gồm 01 điểm cầu trung tâm tại Tòa án tỉnh và 09 điểm cầu tại các Tòa án cấp huyện, kết nối chia sẻ đến VKSND tỉnh và 09 VKS cấp huyện, đồng thời kết nối đến Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh. Hệ thống truyền hình phiên tòa trực tuyến đã phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan giám sát hoạt động xét xử của Tòa án; đặc biệt hữu ích trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của Tòa án và VKS hai cấp mà không phải tập trung đông người, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến tạo môi trường tương tác giữa các Tòa án không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý; dễ dàng tổ chức, tham dự các cuộc họp, hội nghị, tập huấn, đồng thời giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời.

Trang thông tin điện tử các Tòa án tạo dựng kênh giao tiếp điện tử, giúp người dân dễ dàng theo dõi hoạt động của Tòa án; tra cứu các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đã được công khai; tra cứu các văn bản pháp luật, án lệ, thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú; theo dõi lịch phiên tòa… Tổng số lượt truy cập tính đến nay gần 68 ngàn lượt.

Trang thông tin công bố bản án, quyết định của TANDTC hoạt động giúp người dân dễ dàng tiếp cận tất cả các bản án, quyết định; góp phần nâng cao chất lượng, tăng cường tính công khai, minh bạch, niềm tin của nhân dân, sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của Tòa án. Đến nay, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã công bố gần 2.400 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

TAND tỉnh đã tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến kết hợp với việc rút kinh nghiệm trong TAND và VKSND hai cấp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của VKSND, công tác xét xử của TAND, phát huy có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân.

Tòa án đã thực hiện số hóa việc lưu trữ hồ sơ các vụ án hình sự, qua đó việc quản lý hồ sơ được khoa học; việc tra cứu, cung cấp bản sao, trích lục được thuận tiện, dễ dàng hơn.

b88aa118-ef82-4a3c-846e-642fbfc2adbd.jpeg
Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký TAND tỉnh Quảng Trị dự phiên toà rút kinh nghiêm qua hệ thống trực tuyến

PV: Từ khi ứng dụng CNTT tại đơn vị, Chánh án nhận thấy những khác biệt như thế nào so với Tòa án truyền thống?

Chánh án Lê Hồng Quang: Từ những ngày đầu triển khai ứng dụng CNTT tại Tòa án, chúng tôi gặp phải không ít khó khăn. Nền tảng CNTT còn thiếu thốn; công chức còn giữ tư duy cũ, thói quen làm việc cơ học, kinh nghiệm CNTT chưa có. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo và công chức TAND hai cấp thì việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của Tòa án đã đạt được những thành công đáng ghi nhận.

Ưu điểm nổi bật nhất khi Tòa án ứng dụng CNTT trong hoạt động là thay đổi phương thức làm việc thủ công qua phương thức hiện đại. Hoạt động chia sẻ thông tin, công khai chứng cứ, tra cứu pháp luật, tìm kiếm án lệ hết sức nhanh chóng và minh bạch. Trên nền tảng CNTT được trang bị, Tòa án đã xây dựng một chương trình theo dõi thụ lý, thống kê tổng hợp, phân công giải quyết án, thiết lập biểu đồ, tiến độ giải quyết án của từng loại án và từng thẩm phán để tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Ứng dụng CNTT tổ chức các phiên tòa trực tuyến tạo được hiệu ứng rất tốt từ dư luận. Bằng hình thức tổ chức này, đông đảo người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử, không bị giới hạn số lượng như phòng xử án, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm chi phí đi lại. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hạn chế tập trung đông người, phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Tóm lại, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động xét xử tạo thuận lợi rất lớn: Giảm bớt sức lao động, phù hợp yêu cầu tinh giản biên chế, tạo sự thuận lợi cho nhân dân, minh bạch hóa hoạt động xét xử, phù hợp yêu cầu đổi mới cải cách tư pháp, tăng cường hội nhập và phát triển của Tòa án Việt Nam trên thế giới.

 PV: Vừa qua, tại hội nghị chuyển đổi số ngành Tòa án, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những người xuất sắc nhất của Tòa án sẽ phải tham gia cùng với những người làm công nghệ để đưa tri thức vào hệ thống. Vậy tại đơn vị, Chánh án đã bố trí, sắp xếp nguồn lực thực hiện công việc đó như thế nào?

Chánh án Lê Hồng Quang: Đúng vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Dù hệ thống CNTT có thông minh và hiện đại đến đâu cũng phải qua con người tạo ra nó và sử dụng nó. Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay. Một đặc điểm quan trọng của công nghệ số là càng nhiều người dùng, càng có nhiều dữ liệu, hệ thống càng trở nên thông minh hơn. Thông qua quá trình áp dụng pháp luật và thực hiện các hoạt động tố tụng trên nền tảng số, các tri thức và kinh nghiệm sẽ được đưa vào hệ thống để toàn bộ công chức ngành Tòa án cùng sử dụng, cùng chia sẻ.

Để các tri thức được đưa vào hệ thống là tri thức của những người xuất sắc nhất, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác để chất lượng của đội ngũ công chức Tòa án tỉnh Quảng Trị ngày càng tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ nhân dân.

Riêng đối với nguồn nhân lực CNTT: Hiện nay nguồn nhân lực về CNTT của TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị còn rất thiếu và yếu, phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ công tác khác nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT tại các Tòa án. Ở Tòa án cấp huyện, hiện nay chưa có biên chế về CNTT. Trước mắt chúng tôi chủ trương phân công cho cán bộ lái xe hoặc bảo vệ kiêm nhiệm phụ trách. Ở cấp tỉnh, tuy có được phân bổ một biên chế CNTT nhưng do chế độ, chính sách và thu nhập của kỹ sư CNTT ở Tòa án quá thấp nên vị trí này hay bị bỏ việc. Việc tuyển dụng lại do TANDTC quyết định nên có những thời gian dài Tòa án tỉnh không có nhân lực CNTT.

Để khắc phục tình hình này, chúng tôi động viên cán bộ kiêm nhiệm, đồng thời giao trách nhiệm cho các cán bộ nghiệp vụ phải học hỏi và nắm vững kiến thức CNTT để có thể xử lý những công việc liên quan đến nghiệp vụ có ứng dụng CNTT trong hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mà thôi. Về lâu dài, cần thiết phải có một cán bộ chuyên trách về CNTT tại từng đơn vị Tòa án.

PV: Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, góp phần chuyển đổi số hệ thống Tòa án, đơn vị có kế hoạch triển khai như thế nào, thưa Chánh án?

Chánh án Lê Hồng Quang: Trước mắt và quan trọng nhất là phải xây dựng nguồn nhân lực về CNTT bằng cách tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực hiện có từ Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán. Mỗi chức danh tư pháp đều là một kỹ thuật viên CNTT, sử dụng thành thạo, nắm bắt cơ bản tri thức của CNTT vào thực tiễn hoạt động xét xử. Tiếp tục quan tâm hơn nữa việc tăng cường ứng dụng CNTT; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; nâng cấp hạ tầng CNTT; tiếp tục thực hiện công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên cổng thông tin điện tử.

Ngoài ra, Tòa án cũng có kế hoạch ứng dụng hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến để triển khai đối thoại trực tuyến trong giải quyết các vụ án hành chính; triển khai thực hiện việc nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ từ đương sự, thực hiện cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định; tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến, ứng dụng CNTT vào phòng xét xử thân thiện.

Chúng tôi sẽ chuẩn bị dần các điều kiện cho sự ra đời Tòa án điện tử khi có chủ trương của TANDTC.

Cùng với những bước đi vững chắc của TANDTC trong ứng dụng CNTT, sự phối hợp và giúp đỡ hiệu quả của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cùng sự nỗ lực phấn đấu của công chức - người lao động ngành TAND, hy vọng rằng Toà án điện tử sẽ sớm ra đời và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Mạnh Hùng