Phụ huynh gỡ rối khi học trực tuyến cùng con

Giáo dục - Ngày đăng : 13:19, 14/09/2021

Dẫu đã có thời gian 1 tuần để học, làm quen cùng con thế nhưng nhiều phụ huynh, học sinh lớp 1 ở Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn và lúng túng trong việc hướng dẫn con học. Vậy họ đã làm gì để khắc phục điều đó?

Vẫn còn nhiều sự cố bên lề

Ngày 13/9, học sinh Hà Nội chính thức bước vào buổi học chương trình lớp 1 đầu tiên, dẫu trước đó phụ huynh và học sinh đã có 1 tuần vừa học, vừa làm quen với cách học trực tuyến nhưng phụ huynh đã "cười ra nước mắt".

3.jpg
Phụ huynh ngồi học cùng con. Ảnh Ngô Chuyên.

Đồng hành cùng con hơn 1 tuần qua, chị Nguyễn Thị Mai Thúy (Long Biên – Hà Nội) nói: “Học cùng con còn vất vả hơn là đi làm, cả lớp đang học chỉ cần một cháu mất tập trung là lớp học nháo nhác lên. Cô giáo lại phải dừng bài giảng để bắt đầu nhắc nhở các con, phải mất ít nhất 5-10 phút nhắc và ổn định lại lớp”.

Chị Thúy kể lại: Ví dụ như hôm qua, các con đang học tiết tập đọc, cả lớp đang chăm chú nghe cô giáo giảng thì có một học sinh nói to trong mic “thưa cô cho con đi ị”. Thế rồi cả lớp cười ầm lên. Cô giáo lại phải dừng lại hướng dẫn, giảng giải để các con hiểu khi xin phép đi vệ sinh phải xin như thế nào cho tế nhị. Dẫu cô giáo đã hướng dẫn rất nhiều trước đó”.

Không chỉ vậy, lớp con chị học bằng nền tảng zoom, đường truyền dẫn kém dẫn đến màn hình chính bài giảng rất mờ. “Mình đã đổi qua nhiều thiết bị như: laptop, điện thoại, iPad. Thậm chí sang cả nhà hàng xóm nhờ máy tính để cho con học nhằm kiểm tra liệu có phải do mạng nhà mình yếu hoặc thiết bị của nhà mình bị lỗi hay không? Thế nhưng không phải. Mình đã cố gắng khắc phục 1 tuần này rồi nhưng vẫn không được”.

Buổi đầu các con học chương trình lớp 1, các con bị hạn chế khi học viết: “Dẫu cô giảng rất kỹ nhưng con vẫn không định hình được”.

Có hai con đang học trực tuyến, trong đó một đứa học lớp 1, chị Đặng Thị Tâm (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng chật vật, chạy đua với việc học của con.

Chị Tâm kể, chồng mình là bộ đội nên dịch này phải đóng quân ở đơn vị không về được, bởi vậy việc học, chăm con hằng ngày này dồn lên hết cho mình.

hoc-online.jpg
Học sinh Hà Nội học trực tuyến. Ảnh Ngô Chuyên.

“Như năm ngoái, bố đi vắng mình có thể nhờ ông bà nội ngoại lên hỗ trợ, nhưng năm nay dịch, giãn cách ông bà không lên được. Mình đã phải xin cơ quan nghỉ làm không lương để lo cơm nước, bám sát con học hành. Thế nhưng vẫn xoay như chong chóng”, chị Tâm kể.

Chị Tâm kể thêm: “Trong lúc đang hỗ trợ đứa đầu làm bài tập Âm nhạc, tiếngAnh để nộp cho cô giáo, đứa thứ 2 học phòng bên cạnh gọi mẹ ơi con bị thoát ra ngoài không nghe thấy cô nói gì? mẹ ơi mẹ đâu rồi.... khiến tôi nhiều lúc ước mình có thể phân thân. Nhiều hôm, con học đến 11 giờ trưa mới nghỉ, tôi mới chạy xuống bếp nấu vội cơm nước rồi đôn đốc các con ăn vội để đi ngủ chiều về học tiếp”.

“Khổ nhất là đứa lớp 1, đầu giờ chiều vào học mất khoảng 15 phút vò đầu, bứt tóc, ngủ gật. Có học cùng con mới thấu hiểu những vất vả của các cô giáo dạy lớp 1 như thế nào”, chị Tâm nói.

Phụ huynh học cùng con

Một tuần trải nghiệm học trực tuyến cùng con, chị Thúy rút ra được bài học cho mình: “Nếu muốn con nghiêm túc học, bản thân mình cũng phải làm gương cho con”, chị Thúy nói.

Thế rồi, buổi học chương trình lớp 1 đầu tiên chị chuẩn bị thêm cho mình một cái bảng tập viết. “Như vậy, con sẽ ý thức được việc học cần nghiêm túc, nếu tôi không tập trung con có thể nhắc nhở. Như vậy để con hiểu, khi mẹ nhắc là muốn con tập trung học không phải mẹ đang theo dõi hay mắng như những hôm đầu mới học”, chị Thúy kể.

Chị Thúy cũng chia sẻ thêm, một điều đáng mừng mà mình nhận thấy khi các con căng thẳng cô giáo lại động viên, khích lệ. Rồi chuyển tiết, ví dụ từ tiết Tiếng Việt sang tiết Toán cô có những trò chơi tăng tính tương tác giữa cô và trò.

“Tiết học làm quen với các con số, cô giáo đã phát các đoạn video về con số con rất hứng thú và giơ tay xin phát biểu rất nhiều”, chị Thúy nói.

Sau một tuần học, dường như không chỉ cô giáo và học sinh phải thay đổi để hòa nhập với nhau hơn, mà chính bản thân những phụ huynh ngồi học cùng con cũng cần thay đổi để truyền cảm hứng, tạo động lực và giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong việc học cùng con.

NGÔ CHUYÊN