Tỉnh Lạng Sơn nỗ lực giảm nghèo: Cần chú trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Đời sống - Ngày đăng : 12:17, 13/09/2021
Thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo
Tại Nghị quyết số 47/NQ-TU về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, Nghị quyết cũng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác để hoàn thành các mục tiêu. Trong đó, việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là một nhiệm vụ thiết thực.
Đối với nhiệm vụ này, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cũng như tạo chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn.
“Triển khai đầy đủ, hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Tạo việc làm cho người nghèo nhất là gắn với trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất liên kết, trong đó ưu tiên sử dụng lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo”, Nghị quyết số 47/NQ-TU nêu rõ.
Song song đó, việc phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Cần xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, tăng cơ hội tiếp cận cho người nghèo. Nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, hộ cận nghèo.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là nỗ lực vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, khu vực biên giới. Phát triển hệ thống truyền thanh, truyền hình, dịch vụ viễn thông nhằm bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của Nhân dân. Giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất, giao rừng, cho thuê rừng và quyền sử dụng đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Chú trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Theo tinh thần Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền cũng phải chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp huy động, vận động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để thực hiện các chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững tại các thôn đặc biệt khó khăn. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp cải thiện điều kiện sống, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Không chỉ vậy, tỉnh Lạng Sơn cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, minh bạch tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm then chốt giúp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và giải quyết việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, còn phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Tăng cường hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, thu nhập tốt, vượt lên mức sống tối thiểu và giải quyết hiệu quả các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.
“Chú trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hoá ... Tăng cường rà soát, quản lý các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo với mục tiêu sử dụng nguồn lực hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát. Xử lý nghiêm hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong sử dụng các nguồn lực, chính sách thực hiện công tác giảm nghèo”, Nghị quyết số 47/NQ-TU nhấn mạnh.