Nỗ lực giảm nghèo tại Lạng Sơn : Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo
Đời sống - Ngày đăng : 23:05, 12/09/2021
Mục tiêu đến năm 2030 không còn huyện nghèo
Liên quan tới việc nỗ lực gỡ vướng trong công tác giảm nghèo mà Báo Công lý đã thông tin, tại Nghị quyết số 47/NQ-TU, Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn cho biết đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể để thực hiện. Trong đó, Nghị quyết đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (riêng các huyện nghèo giảm trên 5%/năm) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú. Thêm nữa, chú trọng mục tiêu 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, cũng như được hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở y tế.
Phấn đấu 100% trẻ em thuộc hộ nghèo từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi được đi học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; 95% hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi được tham gia các khóa đào tạo hoặc được cấp chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng. Đáng chú ý, Lạng Sơn còn nỗ lực để 85% hộ nghèo sống trong ngôi nhà thuộc loại bền chắc và có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8m2 trở lên.
“Mục tiêu trên 99% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phấn đấu 50% hộ nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên 98% hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông và 100% hộ nghèo có phương tiện, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện nghèo thoát nghèo. Đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn”, Nghị quyết số 47/NQ-TU nêu.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo
Cũng theo Nghị quyết số 47/NQ-TU, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, của các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử trong công tác giảm nghèo bền vững.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giảm nghèo bền vững phải cụ thể, bám sát thực tế. Công tác giảm nghèo bền vững phải được đặt trong chương trình tổng thể và kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, tỉnh cũng phải tăng cường phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện chương trình giảm nghèo tại cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đổi mới phương pháp, cách thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Tuyên truyền, vận động hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác bình xét hộ nghèo theo đúng thực tế.
“Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục vận động các chi họ, dòng họ giúp đỡ chính những người trong dòng tộc vươn lên thoát nghèo; phân công các chi bộ đảng, các tổ chức hội, đoàn thể cử đảng viên, cán bộ, hội viên ưu tú sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ từng hộ nghèo vươn lên tự thoát nghèo”, giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết số 47/NQ-TU của Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.