Triển khai Tòa án điện tử: Xu thế tất yếu của thời đại số

Tòa án - Ngày đăng : 11:30, 12/09/2021

Triển khai Tòa án điện tử (TAĐT) là một bước đổi mới cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương thực hiện chuyển đổi số Quốc gia. TAĐT mang lại nhiều lợi ích to lớn có thể kể đến như: Nâng cao chất lượng, tốc độ, hiệu quả trong các hoạt động giải quyết, xét xử; Chuẩn hóa các quy trình thủ tục nghiệp vụ hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp…

Vai trò và lợi ích của Tòa án điện tử Việt Nam

Riêng năm 2020, toàn hệ thống Tòa án thụ lý và xét xử gần 650 nghìn vụ án. Trung bình mỗi Thẩm phán xử lý hơn 100 vụ án. Đây là một số lượng công việc vô cùng lớn và thách thức. Những câu hỏi đặt ra - Có cách nào theo dõi, nắm bắt tiến độ và hiện trạng các vụ án? Nhắc nhở, đôn đốc các vụ án chậm, muộn? Chất lượng xử án để có những đánh giá chính xác năng suất và chất lượng, hiệu quả làm việc của từng cán bộ? Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và phản ánh của người dân với từng kết quả vụ án, giảm oan sai?... 

15.-toa-an-dien-tu-1-.jpg
Xây dựng TAĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án.

Triển khai TAĐT trên một nền tảng cộng tác chung cho 4 cấp Tòa án từ Trung ương đến địa phương được thiết kế chuẩn hóa theo quy trình sẽ giảm thiểu sai sót trong xử lý công việc. Nền tảng số được thiết kế toàn trình, tức là cho phép người dùng thao tác trọn vẹn các khâu từ tiếp nhận đơn đến xử lý đến lưu trữ, khai thác hồ sơ của các vụ án. Nền tảng TAĐT thay đổi mô hình hoạt động của Hệ thống Tòa án. Thay vì chỉ hướng tới phục vụ công tác trong nội bộ của hệ thống như trước đây, nền tảng TAĐT hợp nhất tuân thủ các thiết kế mở, sẵn sàng kết nối với các cơ quan, tổ chức khác trong và ngoài hệ thống để cùng phát triển.

Tòa án điện tử (e-court) là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số. Tuy nhiên, TAĐT không đơn thuần là máy tính, mạng internet mà là sự đổi mới quy trình, phương thức và nội dung hoạt động của cả hệ thống Tòa án. 

Khi đề cập đến TAĐT là nói tới hoạt động của Tòa án với các đặc trưng như: Giải quyết các công việc bằng hình thức điện tử mà không cần giấy tờ; Nâng cao chất lượng, tốc độ, hiệu quả trong các hoạt động giải quyết, xét xử; Chuẩn hóa các quy trình thủ tục nghiệp vụ hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp; 

Cung cấp khả năng tiếp cận thông tin cho người dân và tạo niềm tin vững chắc đối với nhân dân trong lĩnh vực tư pháp; Tiết kiệm chi phí cho người dân khi tham gia tố tụng tại Tòa án đồng thời tiết kiệm chi phí cho Tòa án trong các hoạt động tống đạt, ủy thác, triệu tập, di lý, tổ chức phiên tòa...: Đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp góp phần đưa nước ta hòa nhập được với sự phát triển của thế giới. 

15.-toa-an-dien-tu-2-.jpg
Triển khai Tòa án điện tử (TAĐT) là một bước đổi mới cần thiết và hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương thực hiện chuyển đổi số Quốc gia.

TAĐT của Việt Nam với đề xuất gồm các thành phần chính: Hệ thống Tố tụng điện tử là hệ thống chính của TAĐT, được phát triển trên nền tảng của phần mềm quản lý án và liên kết, tích hợp nhiều hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ. Thông qua hệ thống này, toàn bộ các hoạt động tố tụng của một vụ án (từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động tố tụng) được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Với hệ thống này, người dân được hưởng lợi rất nhiều, vì toàn bộ hoạt động tố tụng được công khai, minh bạch rõ ràng, người dân dễ dàng tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết vụ án và giải quyết công việc tại Tòa án “mọi lúc – mọi nơi – mọi phương tiện” giúp tiết kiệm chi phí. Đối với Tòa án, tạo dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại; tăng sự thuận lợi và hài lòng của người dân; tăng năng suất lao động của Tòa án mà không cần đông biên chế; tiết kiệm chi phí.

Hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán (Trợ lý ảo): Hệ thống này là tổ hợp nhiều phần mềm ứng dụng có liên kết với hệ thống Tố tụng điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đóng vai trò như một Thư ký riêng trợ giúp cho các Thẩm phán theo dõi, quản lý được toàn bộ công việc và hỗ trợ Thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ án. 

Kênh giao tiếp điện tử: Thành phần gồm Cổng thông tin điện tử TANDTC và các Trang thông tin điện tử của các Tòa án địa phương và Cổng dịch vụ công Quốc gia hình thành lên nền tảng giao tiếp điện tử và là một phân hệ của hệ thống Tố tụng điện tử. Thông qua hệ thống Cổng/Trang thông tin này người dân dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến các hoạt động của Tòa án và giải quyết công việc tại Tòa án mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải trực tiếp đến Tòa án; ngoài ra, còn có tổng đài ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thông tin cho người dân.

Hệ thống quản lý, điều hành: Hệ thống này được hình thành trên nền tảng tích hợp các hệ thống phần mềm nội bộ hiện có của Tòa án các cấp và liên kết với hệ thống Tố tụng điện tử và hệ thống hỗ trợ Thẩm phán. Thông quá hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của Tòa án, kiểm soát được việc thực thi công vụ; giúp đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thẩm phán và công chức của Tòa án. 

Phân hệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (hạ tầng số): Đây là một phân hệ trọng yếu bảo đảm hoạt động bền vững, xuyên suốt của Tòa án điện tử. Phân hệ này bào gồm: Hệ thống Trung tâm dữ liệu/Phòng máy chủ; hệ thống bảo mật và giám sát an toàn, an ninh mạng; hệ thống cơ sở dữ liệu; hệ thống mạng WAN băng thông rộng; hệ thống hội nghị truyền hình chất lượng cao; hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu; hệ thống phòng xét xử điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; hệ thống hiển thị thông tin, thông báo và thiết bị Robot, Kiot; Phòng giám sát, điều hành;... 

Hoạt động vượt trội từ Tòa án điện tử

Hoạt động của Tòa án theo các công đoạn, quy trình nghiệp vụ: Khai án trực tuyến (e-filing); Thanh toán trực tuyến (e-payment); Hầu tòa trực tuyến (e-summon); Tố tụng trực tuyến (e-litigation); Xử án và tuyên án trực tuyến (e-judgement). 

15.-toa-an-dien-tu-3-.jpg
Hoạt động tố tụng được công khai, minh bạch rõ ràng, dễ dàng tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết vụ án và giải quyết công việc tại Tòa án “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi phương tiện”.

Triển khai TAĐT đem lại sự minh bạch; tiết kiệm thời gian chi phí cho cả Tòa án và đương sự; truy cập thông tin hồ sơ án cùng một lúc, mọi nơi; thông tin được tích lũy hỗ trợ các hoạt động của các Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Cắt giảm: 10-15% chi phí hoạt động của Tòa án; Chi phí lưu trữ tài liệu số: 150TB lưu trữ (100USD) ~ 70 tủ lưu trữ giấy; Tiết kiệm: 200USD/bộ hồ sơ trực tuyến; Thẩm phán thụ lý: 3.000 vụ/năm nhờ vào hỗ trợ của công nghệ.

Tại Úc, việc triển khai TAĐT tại đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và Tòa án trong quá trình tiến hành xử lý vụ án hoặc tranh chấp. Việc chấp nhận đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan được gửi/nhận dưới dạng điện tử thông qua hệ thống của Tòa án giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Người dân có thể dễ dàng truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tòa án để biết tình trạng hồ sơ vụ án và các tài liệu liên quan. Các kết quả của Tòa án như lệnh/quyết định của tòa được công bố công khai minh bạch… Đối với Tòa án, các lãnh đạo, cán bộ Tòa án có thể truy cập cùng một thời điểm vào các tài liệu liên quan của một vụ án. Tăng cường tính hiệu quả của việc quản lý các hồ sơ vụ án..

Tại Hàn Quốc, hệ thống TAĐT cải thiện hiệu quả các quy trình, thủ tục xét xử của Tòa án. Hàn Quốc đã tiết kiệm được khoảng 221 USD/vụ án. Hệ thống làm cho việc lưu trữ tài liệu trở nên bảo mật hơn, hay việc công bố trực tuyến cũng giúp Thẩm phán có trách nhiệm hơn trong việc giải trình các quyết định bởi vì các bên liên quan đều có thể đánh giá chất lượng phán quyết của mình. Các dịch vụ TAĐT mở rộng khả năng sẵn sàng của hệ thống pháp lý bởi vì các dịch vụ này được cung cấp trực tuyến 24/7. Ngoài ra, việc các Thẩm phán có khả năng cung cấp truy cập từ xa giúp việc thực hiện các thủ tục xét xử thuận tiện và hiệu quả.

Theo một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng có khoảng 80% Thẩm phán nhận thấy hệ thống e-filing (hệ thống tố tụng điện tử) vượt trội so với các hệ thống cũ dựa trên giấy tờ. TAĐT giúp thực hiện quy trình nhanh hơn, tin cậy và thuận tiện hơn, tối thiểu hóa chi phí lưu trữ và tái sử dụng.

Để hoàn thành được mục tiêu xây dựng TAĐT đã đề ra, thời gian qua, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TANDTC đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đầu tư xây dựng và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, tạo ra những đột phá lớn trong hoạt động của Tòa án, như: Xây dựng và vận hành thường xuyên Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu các TAND và Tòa án Quân sự cấp quân khu; Công khai bản án, quyết định của Tòa án và các Án lệ trên Cổng thông tin điện tử TANDTC (đã công bố được hơn 680.000 bản án, quyết định…); Dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử; Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp các cơ quan, tổ chức, người dân đăng ký xin cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không cần phải đến trụ sở của Tòa án;…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thay đổi diện mạo của Tòa án và nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Tòa án. Tuy nhiên, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin - là một bước trong tiến trình xây dựng Tòa án điện tử, khi triển khai trên thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế (Về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT của Tòa án các cấp; Nguồn nhân lực công nghệ thông tin; Nền tảng pháp lý; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo).

Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu 

Một nền tảng TAĐT dùng chung cho toàn hệ thống Tòa án là rất cần thiết và hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương thực hiện chuyển đổi số Quốc gia.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra chủ trương, định hướng và chiến lược rõ ràng để bắt kịp với xu thế thế giới của “thời đại số”. 

Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 13, Đảng ta đã tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ “… chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số,…” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13 và cũng là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng lần thứ 4 đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt thời cơ, các cơ hội và thành tựu từ cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.

Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án, xây dựng TAĐT là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng TAĐT).

Để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới trong thời đại số, chủ trương xây dựng TAĐT đã được Chánh án TANDTC đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng TAĐT. Bắt đầu từ thời điểm đó, nhiệm vụ xây dựng TAĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án. 

15.-toa-an-dien-tu-4-.jpg
Hệ thống Khai án trực tuyến (e-filing).

Đặc biệt thời gian qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạt động của các Tòa án. Để hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đặt ra, đòi hỏi hệ thống Tòa án phải nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức thực hiện quyết liệt; trong đó tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 17 chủ trương, giải pháp đột phá, thiết thực mà Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án.


Mai Đỉnh