Bản quyền vắc xin - trở ngại lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Thế giới - Ngày đăng : 15:17, 11/09/2021
Tranh cãi về bản quyền vắc-xin COVID-19 vẫn chưa có hồi kết
Tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi tiếp cận WTO để kêu gọi tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về các loại thuốc và công nghệ liên quan phòng, chống COVID-19. Họ nói rằng việc này sẽ giúp các bên thứ ba dễ dàng hơn trong việc sản xuất vắc-xin và thuốc giá rẻ, gia tăng năng suất và đa dạng hóa nguồn cung.
Lập luận rằng “nhiều báo cáo cho thấy quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân”, hai nước này đề nghị dỡ bỏ rào cản về sở hữu trí tuệ cho đến khi “công tác tiêm chủng được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch”. Thực tế, vào thời điểm đó, Mỹ cũng đã phản đối yêu cầu mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra trước WTO. Tuy nhiên, đề xuất ngay lập tức bị gạt bỏ. Các hãng dược nắm trong tay bản quyền cho rằng các nhà sản xuất thứ ba thiếu kinh nghiệm và chuyên môn để tự sản xuất vắc-xin phức tạp, nên ngay cả khi tạm gỡ bản quyền cũng không giúp tăng số liều được sản xuất.
Tiếp đó đến ngày 11/3/2021, WTO lại tổ chức cuộc thảo luận mới có khoảng 100 quốc gia thành viên WTO ủng hộ nhưng cuối cùng đàm phán vẫn thất bại vì các nước Bắc bán cầu không ủng hộ.
Giữa tháng 4 vừa qua, một số nhà khoa học đạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thư ngỏ với khoảng 170 chữ ký đánh giá từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa COVID-19 là “bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch”.
Tháng 5/2021, Mỹ gây bất ngờ cho các hãng dược phẩm khi tuyên bố ủng hộ đề xuất tạm hoãn việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để chia sẻ công nghệ vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có gì tiến triển. Giới quan sát đánh giá quyết định của Mỹ hồi tháng 5 chỉ mang tính hình thức, thiếu hành động quyết liệt đối với các hãng dược đang cản trở việc tiếp cận vắc xin toàn cầu. Châu Âu và các nước thu nhập cao khác cũng bị cho là đã góp phần trong việc cản trở việc chia sẻ công nghệ vắc-xin này.
Phản ứng trước quan điểm của Mỹ về phá thế bảo hộ vắc-xin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông ủng hộ việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin COVID-19 nhưng vẫn cho rằng đây không phải giải pháp tối ưu, bởi ngay cả khi quyền sở hữu trí tuệ cho vắc-xin COVID-19 được bãi bỏ, thì các nước nghèo tại khu vực châu Phi cũng không đủ cơ sở vật chất để có thể tự sản xuất. Do đó, ông Macron đề xuất những nước sản xuất được vắc-xin Covid-19 nên tặng lại số lượng nhất định cho các quốc gia nghèo.
Trong khi đó, Đức lại phản đối ý tưởng của Mỹ và cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là “nguồn gốc của sự đổi mới” và không được phép xâm phạm tới quyền này. Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Đức cũng cho rằng, việc từ bỏ bản quyền vắc-xin không phải giải pháp cho giai đoạn hiện nay, thay vào đó, Đức đang tập trung vào việc tăng năng lực sản xuất của hãng dược. Đồng quan điểm với Đức, đại diện hầu hết các hãng dược lớn như Moderna, Pfizer… đều bác bỏ yêu cầu của Mỹ vì lo ngại lợi nhuận sẽ bị giảm sút, thiếu động lực sản xuất vắc-xin.
Cuộc đối thoại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề này hồi cuối tháng 7 cũng đã bị hoãn bởi đại diện các bên không tham gia và bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala về việc giải quyết vấn đề cấp bách trong lúc nhiều nước đang khó khăn vì Covid-19.
Đến nay mới chỉ có hãng AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) đã cấp phép cho Ấn Độ sản xuất vắc-xin giá rẻ cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, không có nhiều công ty khác làm điều tương tự. Không chỉ từ chối chia sẻ công nghệ, các hãng dược cũng đưa ra những hợp đồng với điều kiện rất khắt khe với các nước muốn tham gia sản xuất. Hãng Johnson & Johnson (J&J, Mỹ) đã ký hợp đồng để nhà sản xuất Aspen Pharmacare của Nam Phi tham gia khâu bơm vắc-xin Covid-19 vào lọ và đóng gói giai đoạn cuối. Nam Phi kỳ vọng hợp đồng này giúp họ được ưu tiên tiếp cận vắc-xin, nhưng đa số vắc-xin sản xuất lại được chuyển sang châu Âu.
Theo hợp đồng, Nam Phi không được phép ra quy định cấm xuất khẩu vắc- xin, với lý do là vắc-xin cần được phân phối rộng rãi giữa các nước. Người phát ngôn Bộ Y tế Nam Phi Popo Maja thừa nhận chính quyền không hài lòng với điều kiện không được quy định cấm xuất khẩu vắc-xin, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác – có vắc-xin hay là không có. Đến nay, mặc dù Nam Phi đã đặt mua 31 triệu liều J&J nhưng đến nay mới tiêm được có hơn 2 triệu liều vắc-xin này và nước này đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới.
Giới quan sát cho rằng việc các hãng dược lớn nắm thế độc quyền đã từng xảy ra trước đây và điều này sẽ còn tái diễn trong tương lai. Điều mà cộng đồng quốc tế đang thiếu là một bộ khung quy định phù hợp cho ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu.
Lý do phải có bản quyền và những giải pháp trước mắt
Bằng sáng chế vắc-xin được tạo ra nhằm ngăn chặn các đối thủ sao chép thành quả của một hãng dược và tung ra sản phẩm tương tự. Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ được các quốc gia thành viên ký kết ngày 15/4/1994 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1995. Theo đó, trong lĩnh vực sáng chế, TRIPS yêu cầu các quốc gia thành viên phải dành sự bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế trong tất cả các lĩnh vực công nghệ, trong đó có lĩnh vực dược phẩm.
Các phòng thí nghiệm nghiên cứu ra vắc-xin ngừa COVID-19 đã bảo vệ bí mật thương mại của họ để ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp. Các nhà sản xuất xin cấp quyền sở hữu trí tuệ, khi cho rằng vắc-xin sẽ sinh lợi hoặc đóng vai trò quan trọng với xã hội. Trong khi đó, ý tưởng cấp quyền miễn trừ tạm thời đối với quyền sở hữu trí tuệ sẽ cho phép bất kỳ quốc gia nào đều có thể sản xuất vắc-xin mà không cần lo lắng về bằng sáng chế và do đó sản xuất nhiều liều hơn với giá thấp hơn. Nhiều nhà máy sản xuất vắc-xin tại các nước đang phát triển, cũng như Chính phủ của họ đã yêu cầu các hãng dược phẩm lớn nắm giữ bản quyền vắc-xin COVID-19 chia sẻ bí quyết kỹ thuật để họ có thể sản xuất vắc-xin giá rẻ hơn phục vụ cho những nước nghèo kiềm chế đại dịch. Đến nay chưa có hãng dược phẩm nào đồng ý.
Theo chuyên gia Davinder Gill – cựu Giám đốc phụ trách thuốc sinh học của Pfizer, việc bỏ bản quyền vắc xin là điều quan trọng nhất. Ông Gill nói với trang Business Standard rằng: “Nếu bỏ bản quyền vắc xin, Ấn Độ sẽ làm rất tốt. Ấn Độ có khả năng, kinh nghiệm sản xuất thuốc và vắc-xin. Nếu không chuyển giao công nghệ, có thể sẽ lâu hơn, nhưng các công ty Ấn Độ vẫn có thể phát triển được”. Nếu việc bỏ bản quyền vắc-xin có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, mọi châu lục sẽ có hàng chục công ty có thể sản xuất những loại vắc-xin này. Tại Nam Phi, nhà máy Biovac cho biết, họ đã mất nhiều tuần đàm phán với một nhà sản xuất giấu tên mà vẫn không có được hợp đồng chuyển giao công nghệ. Ở Đan Mạch, nhà máy Bắc Âu ở Bavaria có năng lực dự phòng và khả năng sản xuất hơn 200 triệu liều nhưng cũng đang chờ tin từ nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 để được cấp phép.
Việc tạm thời từ bỏ bản quyền vắc-xin COVID-19 sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo- Iweala, vấn đề tiếp cận với vắc-xin, chẩn đoán và điều trị Covid-19 vừa là vấn đề đạo đức, vừa là vấn đề kinh tế của thời đại chúng ta.
Để ngăn chặn đại dịch, Các thành viên WTO cần phải hành động trên 4 mặt trận.
Một là, các thành viên nên chia sẻ vắc-xin, những nước đã đặt hàng nhiều hơn mức họ thực sự cần nên chia sẻ với những nước khác, thông qua cơ chế COVAX hoặc các cơ chế khác. Những nước có nguyên liệu thô nên cho phép những thứ này lưu chuyển qua chuỗi cung ứng để tất cả những cơ sở có thể sản xuất đều có thể tận dụng lợi thế này.
Hai là, cần xem xét giảm các hạn chế và cấm xuất khẩu cũng như các thủ tục quan liêu và thủ tục hải quan có thể tác động đến chuỗi cung ứng liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm để chống COVID-19. Cần lưu ý đến vấn đề cho phép chuỗi cung ứng hoạt động. Nếu không, cho dù chúng ta có năng lực gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn sẽ không thể sản xuất những thứ cần thiết. Hiện số lượng các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đã giảm từ 109 xuống 51 nhưng chúng ta cần tiếp tục giảm bớt nữa.
Ba là, cần làm việc với các nhà sản xuất để giúp họ huy động năng lực hiện có đang nhàn rỗi để sản xuất. Cần huy động năng lực hiện có để có thể cho phép sản xuất lượng vaccine mà trên thế giới có thể cần từ 5 tỷ liều được sản xuất hiện nay, lên 10,8 tỷ liều được dự báo cho năm nay lên 15 tỷ liều, đặc biệt nếu chúng ta cần liều tăng cường.
Bốn là, các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Brazil, Cuba, những nước có vaccine đang được phát triển hoặc đã chia sẻ vaccine của họ với những người khác, nên xem xét các cách tăng cường nguồn cung để chúng ta có thể tăng khối lượng vaccine trên thế giới. Những người cần có Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp từ WHO để có thể tiếp cận với vaccine nên sớm làm như vậy…