5 năm phán quyết ở Biển Đông: Giá trị lịch sử không bị lãng quên
Chính trị - Ngày đăng : 12:56, 11/09/2021
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở La Hay (gọi tắt là toà PCA) đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông (gọi tắt là Vụ kiện Biển Đông). Theo đó, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường 9 đoạn”. Tòa cũng kết luận, việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo trên quy mô lớn đã gây ra tác hại nghiêm trọng đến san hô và vi phạm nghĩa vụ của nước này trong việc bảo tồn môi trường biển dễ bị tổn thương. Sau 5 năm, phán quyết này vẫn là dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Những tiếng nói chung
5 năm sau phán quyết, vấn đề Biển Đông vẫn phức tạp và theo các nhà phân tích “vẫn chưa tìm được lối ra khả dĩ”. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2021, hàng chục công hàm và văn bản đã được gửi lên Liên hợp quốc, bày tỏ lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc. Các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Nhật Bản, Anh, New Zealand, Việt Nam... đều đã lên tiếng yêu cầu tuân thủ UNCLOS 1982. Nhất là năm 2020, cộng đồng quốc tế chứng kiến một cuộc chạy đua trong “cuộc chiến công hàm” - theo cách gọi của giới truyền thông - giữa các nước có liên quan đến Biển Đông.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, mặc dù danh sách các nước lên án hành vi của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ngày càng kéo dài, song không phải tất cả đều có mức độ phản đối giống nhau đối với Bắc Kinh. Nhưng theo các chuyên gia, dù đưa ra các lập luận khác nhau, nhưng có một khía cạnh mà hầu hết các quốc gia đều nhất trí, đó là bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hay “các quyền và lợi ích hàng hải” ở Biển Đông. Quan điểm này được đưa ra dựa trên phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài năm 2016. Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trước thềm kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, ngày 25/6/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã tuyên bố: “Ngày kỷ niệm là một dịp để nhìn lại quá khứ, đánh dấu thành tựu của hiện tại, nhìn về tương lai và tìm cách làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, vì không thể đạt được lợi thế nhỏ nào nếu vi phạm nó”. Cũng trong tuyên bố này, Ngoại trưởng Locsin nhắc lại phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Duterte, nêu bật nội dung chính của phán quyết và ý nghĩa của nó. Ông nhấn mạnh: “Phán quyết đã giải quyết dứt điểm về tình trạng, địa vị của các quyền lịch sử và các thực thể ở Biển Đông. Theo phán quyết, không có hiệu lực pháp lý đối với những yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các thực thể theo UNCLOS… Phán quyết đã phá tan đường chín đoạn cùng những thứ khác… Vì vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài đã trở thành và tiếp tục là một cột mốc trong văn kiện luật quốc tế”.
Tiếp sau đó, hàng loạt tuyên bố đã được các nước đưa ra nhân Kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng. Những tuyên bố về Biển Đông này có những điểm chung, điểm riêng và cả những khác biệt so với tuyên bố của chính những nước này 5 năm trước. Điều này thể hiện những bước chuyển chính sách rõ rệt trong vấn đề Biển Đông. Nhìn chung, các nước nhất quán ủng hộ phán quyết, coi văn bản có giá trị ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc. Tất cả các tuyên bố đều đề cao tầm quan trọng của luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS năm 1982 trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Và điều quan trọng, các nước đều đưa ra tuyên bố rất kịp thời và hầu như đều thông qua kênh Bộ Ngoại giao.
Cụ thể, tuyên bố kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết ngày 12/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana coi đây là dấu mốc trong lịch sử Philippines. Cùng ngày trên Twitter, Đại sứ Đức Anke Reiffenstuel tại Philippines nhấn mạnh Philippines đã tạo ra lịch sử với Phán quyết của Tòa; trật tự biển dựa trên luật lệ, gồm UNCLOS, giúp đảm bảo sự ổn định và hợp tác quốc tế.
Trước đó, ngày 11/7/2021, Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố: “Nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài, Canada tái khẳng định các bên liên quan cần tuân thủ Phán quyết. Đây là một dấu mốc lịch sử và cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông”.
Trong khi đó, trong một tuyên bố cùng ngày 11/7/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/7/2021 nhận định “Trật tự biển quốc tế đang gặp thách thức lớn nhất ở Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh rằng, “Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết.” Ngoại trưởng Blinken khẳng định bất cứ cuộc tấn công nào vào lực lượng quân sự, tàu thuyền hay máy bay của Philippines ở Biển Đông, Mỹ can thiệp theo Hiệp ước phòng thủ giữa hai nước.
Nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết, Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 12/7/2021 tuyên bố: “Phán quyết là chung thẩm và có giá trị ràng buộc với cả Trung Quốc và Philippines. Tòa xác định việc Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử hay quyền lợi biển dựa trên thực tiễn lịch sử ở Biển Đông đi ngược lại UNCLOS và không có giá trị. Australia tiếp tục ủng hộ các nước giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp luật quốc tế”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngày 12/7/2021 khẳng định: “Vì Phán quyết của Tòa năm 2016 là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên tranh chấp, Philippines và Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết. Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và phương hại tới thượng tôn pháp luật”.
Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu tương lai Trung Quốc ngày 12/7/2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat khẳng định các nước lớn hay nhỏ phải hành xử trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp, bao gồm UNCLOS năm 1982.
Còn Phái đoàn EU tại Philippines, nhân Kỷ niệm 5 năm Phán quyết, ngày 12/7/2021 đã đăng Twitter: “Những gì xảy ra tại Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với EU, ASEAN và toàn thế giới. EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông”.
Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt, không thay đổi trong vấn đề Biển Đông
Ngày 12/7/2016, nhân dịp Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là ông Lê Hải Bình đã cho biết quan điểm của Việt Nam như sau:
“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Ngày 12/7/2021, nhân Kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS năm 1982”.
Hai phát ngôn có nội dung gần như tương tự nhau, thể hiện quan điểm của Việt Nam về Vụ kiện Biển Đông và về Phán quyết là nhất quán, xuyên suốt và không thay đổi.
Thứ nhất, Việt Nam nhất quán quan điểm chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Quan điểm này phù hợp với hai trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực. Hai nguyên tắc này tồn tại trong tập quán quốc tế ràng buộc tất cả các quốc gia, đồng thời được quy định cụ thể trong Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 2) và UNCLOS (Điều 279 và 301). Thứ hai, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông, bao gồm cả biện pháp ngoại giao và biện pháp pháp lý. Thứ ba, hai phát ngôn nhắc lại rằng Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và có các quyền trên biển phù hợp với UNCLOS. Và cuối cùng, Việt Nam mong muốn duy trì Biển Đông là một vùng biển của luật pháp quốc tế.
Nhận định việc Tòa Trọng tài ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tại thời điểm đó và hiện tại sau 5 năm nhìn lại, đều cho rằng đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Đặc biệt trong việc ra tuyên bố nhân Kỷ niệm 5 năm Phán quyết ở Biển Đông, dù có những điểm giống và khác nhau khi so sánh giữa tuyên bố của các nước, song nhìn tổng thể, các chuyên gia về Biển Đông cho rằng, đây vẫn là diễn biến tích cực và đáng hoan nghênh, nhất là từ phía Việt Nam, bởi điều này cho thấy phán quyết Biển Đông không bị lãng quên, giá trị của phán quyết không bị xói mòn.