Đôi vợ chồng điều dưỡng 9X gác việc riêng xung phong vào tuyến đầu chống dịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:36, 10/09/2021
Đó là những tâm sự ứa nước mắt mà cặp vợ chồng điều dưỡng Nam – Hằng chia sẻ với phóng viên.
Tạm gác kế hoạch cá nhân để chống dịch
Vợ chồng Vũ Đức Nam – Nguyễn Thị Thúy Hằng là điều dưỡng tại Bệnh viện E (Hà Nội), cưới nhau từ năm 2020, do đại dịch covid khiến cho kế hoạch có con của hai vợ chồng phải dừng lại, tập trung thời gian cho công việc ở bệnh viện.
Thế rồi khi dịch covid-19 bùng phát đợt 4 ở TP. HCM, đôi vợ chồng trẻ đã xung phong vào tuyến đầu chống dịch.
Nam tâm sự: “Chứng kiến số ca mắc ngày một nhiều, lực lượng y tế trong đó đã hoạt động quá tải, Bộ Y tế phải huy động lực lượng y bác sĩ khắp mọi miền vào hỗ trợ. Thậm chí, nhiều bác sĩ đã về hưu cũng viết đơn xung phong đi chống dịch vợ chồng em đã bàn với nhau xin lãnh đạo bệnh viện cho đi chống dịch”.
Sáng hôm sau khi cả nhà biết tin vợ chồng Nam Hằng xin đi chống dịch, bố mẹ hai bên đã cản, lo sợ con mình không may bị nhiễm covid-19, lại mới cưới chưa con cái....
“Lúc đó, vợ chồng em đã phải ngồi phân tích cho cả nhà về cơ chế lây nhiễm của virut. Đặc biệt, em nói với bố mẹ mình đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nếu có mắc thì nguy cơ diễn biến nặng sẽ rất thấp cuối cùng bố mẹ cũng an tâm để hai vợ chồng đi”, Nam kể.
Ngày đặt chân xuống TP. HCM, Nam, Hằng sốc trước sự tàn sự tàn khốc của covid-19 khiến TP. HCM nhộn nhịp, tráng lệ ngày nào giờ nằm im lặng, buồn thương vô cùng. Nhìn cảnh đó, trong tim mỗi người không khỏi nghẹn ngào. Sau khi làm hết các thủ tục, Nam, Hằng được phân về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP. Thủ Đức.
“Phòng bệnh mình phụ trách là những bệnh nhân nặng, cơ hội sống rất thấp. Bởi vậy, hầu như ngày nào cũng có ca tử vong”, Nam gạt nước mắt kể lại.
Dường như đã lường trước được những điều xấu nhất có thể xảy ra, những người làm ngành y luôn tâm niệm dẫu có một tia hi vọng cũng phải cố gắng cứu chữa hết khả năng, thậm chí nỗ lực 200% khả năng mình có.
“Thế nhưng, khi không thể cứu được bệnh nhân cảm giác như tức ngực, đau đớn khó tả lắm chị à. Ai cũng nói giá như họ không mắc covid-19 thì giờ họ sống vui bên gia đình, con cháu..... Phút yếu lòng cuối cùng cũng phải nén lại, anh em lại gạt nước mắt, chuẩn bị tinh thần đón thêm bệnh nhân”, Nam kể.
Hằng ngày, 7h30 Nam sẽ trực tiếp nhận bàn giao ca. Sau khi nhận xong bệnh nhân Nam sẽ đánh giá một lượt xem các dấu hiệu sinh tồn trên máy thở xem có bất thường không.
Tiếp đến anh sẽ vệ sinh cá nhân cho bệnh như: hút đờm, vệ sinh răng miệng, thay dây cố định ống nội khí quản, thay ga, bỉm. Công việc này anh mất khoảng 1h30 để làm. Sau khi xong sẽ nhận thuốc từ phòng dược, kiểm tra thuốc xem đã đúng, đủ chưa? Nếu đúng đủ rồi sẽ tiến hành cho bệnh nhân dùng thuốc.
“Bệnh nhân phòng mình phụ trách đều rất nặng mỗi bệnh nhân thường sẽ sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Dẫu họ hôn mê, nhưng quá trình chăm sóc, cho ăn qua ống mình luôn hi vọng họ tiến triển tốt, nghị lực sống của họ có thể chiến thắng được covid-19”, Nam tâm sự.
Nam kể thêm, có một gia đình hai mẹ con rất nặng được chuyển vào đây. Dẫu vậy nhưng anh con trai vẫn trò chuyện động viên bà mẹ, với hi vọng mẹ mình sớm khoẻ lại, cháu nội đang chờ bà về.
“Thế nhưng, hôm sau bà đã mất”, lúc đó em đứng người luôn.
Nam nói thêm, ngoài việc nỗ lực cứu chữa y, bác sĩ lúc này cũng là chỗ dựa tinh thần, thay người nhà động viên, chăm sóc họ.
Cùng làm một bệnh viện nhưng gặp nhau chỉ những lúc bàn giao ca
Nam và Hằng được sắp xếp về hỗ trợ điều trị tại một Bệnh viện Hồi sức covid-19, thế nhưng từ ngày vào đây hai vợ chồng chỉ gặp nhau qua những lúc bàn giao bệnh nhân, thuốc, vật tư. Khi gặp, cả hai không nói được với nhau câu nào, chỉ lo bàn giao bệnh nhân và lưu ý tình trạng của bệnh nhân rồi chia tay nhau.
Để động viên nhau, đôi vợ chồng trẻ đã tranh thủ dành cho nhau những tin nhắn phải hàng chục giờ mới có hồi âm.
Nam kể: “Có khi em nhắn tin cho vợ, ngày hôm sau mới nhận được phản hồi. Hay mỗi khi hết ca trực về nơi ở em mới có thời gian sờ đến điện thoại, nhiều lúc làm về mệt quá, bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp gọi điện, nhắn tin động viên còn không kịp trả lời”, Nam kể.
Được biết, sáng nào cũng vậy 5h sáng Nam và các đồng nghiệp trong kíp trực của mình đã phải dậy. Thay nhau vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị quần áo chống dịch, khẩu trang, thuốc sát khuẩn tay cho vào balo, 6h45 lên xe tới viện. Nơi ở của Nam cách bệnh viện 12km.
“Bọn em có 20 phút để mặc quần áo bảo hộ, 7h30 có mặt tại khoa nhận bàn giao bệnh nhân. Chúng em làm liên tục từ đó cho đến 14h30 mới bắt đầu được nghỉ và ăn cơm trưa”, Nam kể.
Bệnh nhân nằm ở phòng Nam điều trị đa phần là phải thở qua ống nội khí quản và hôn mê. “Khi họ có tiến triển tốt đó hay nghe tin bệnh nhân nặng hôm trước đã qua nguy hiểm rồi lúc đó cảm xúc vỡ òa, bởi cuối cùng những nỗ lực của chúng em cũng được hồi đáp. Đó là năng lượng tiếp sức cho chúng em lúc hơn cả “nước tăng lực”, Nam nói.
Thế rồi, Nam lại trầm giọng xuống, nhìn đôi tay nhăn nheo vì ngâm mồ hôi quá lâu trong găng tay y tế nói: “Đã không ít lần chúng em thắt lòng và cảm thấy bất lực khi một bệnh nhân ra đi. Bởi trong quá trình điều trị, họ không có người thân động viên, đến lúc mất không được gặp gia đình thương vô cùng”.
Khi hỏi Nam và Hằng liệu có lo lắng mình sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào, cả hai đều đồng lòng chia sẻ: “Thực ra khi chúng em xác định vào tuyến đầu thì mọi trường hợp xấu nhất chúng em đã chuẩn bị tin thần. Chỉ mong rằng sẽ sớm đập được dịch, số ca nhiễm với tử vong giảm đi. Hai vợ chồng còn trẻ, chưa có con nên muốn góp một chút sức lực vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh để đất nước quay về như xưa là chúng em đã thấy có động lực rồi”.