TANDTC chuẩn bị ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến
Tòa án - Ngày đăng : 16:25, 10/09/2021
Một số vụ án không được xét xử trực tuyến
Hiện nay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của tòa án khi nhiều vụ việc đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch... Các phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết những vụ việc tồn đọng này. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng chánh án Châu Á, ASEAN.
Theo dự thảo quy chế, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm.
Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam. Các vụ dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng cũng có thể được xét xử trực tuyến.
Các vụ án không được mở phiên xử trực tuyến gồm vụ việc liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; các vụ trong nhóm tội chống lại loài người. Điều kiện xét xử trực tuyến gồm bị cáo, trại tạm giam trong vụ hình sự hoặc đương sự trong các vụ việc hành chính, dân sự có đơn yêu cầu và được viện kiểm sát đồng ý.
Theo dự kiến của TANDTC, phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính. Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt HĐXX, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.
Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.
Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho HĐXX hoặc chủ tọa. Riêng bị cáo phải nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và tòa án sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.
Dự thảo quy chế cũng quy định không được mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, tội chống lại loài người, huỷ hoại hoà bình…
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết
Ngày 26/8, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã họp phiên thứ 13 cho ý kiến về đề án "Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp"; "Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án", do Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao trình.
Tại phiên họp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận, nêu rõ:
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt là cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng phải thực hiện đúng Hiến pháp và yêu cầu của công việc, của người thực thi, bảo đảm tính khả thi phải cao, sát thực tiễn. Các ý kiến thảo luận phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hệ thống các vấn đề nói trên cần quán triệt trong các cơ quan Nhà nước, trước hết là hệ thống tư pháp.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, dịch COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.
Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện cam kết với quốc tế, đồng thời không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất, trước hết phương án áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật (hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm), chặt chẽ của quá trình tranh tụng và những vấn đề đặt ra. Chủ tịch nước đề nghị hoàn thiện đề án theo tinh thần nói trên, bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thẩm quyền xác định khái niệm trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, trong đó có việc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể, các cơ quan Viện kiểm sát, Công an họp bàn, thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức.
Về đề án "Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp", Chủ tịch nước khẳng định chúng ta đã dùng khái niệm hội thẩm nhân dân từ mấy chục năm qua và đã làm tốt, số lượng sai sót trong các vụ án ít, mặc dù trong quá trình lựa chọn vị trí hội thẩm nhân dân, tổ chức hoạt động của hội thẩm… còn một số vấn đề cần quan tâm. Đây là vấn đề khó và nhạy cảm, vừa qua làm tốt cần khắc phục tồn tại để làm tốt hơn nữa.
Chủ tịch nước đề nghị Ban thư ký tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp, thảo luận để có thông báo kết luận, trước hết để sớm thông qua đề án xét xử trực tuyến mà tòa án chủ trì phối hợp các cơ quan tố tụng, tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến chính thức.