Ông Trần Quang Hoài: Lần đầu tiên chúng ta vừa chống dịch, vừa chống bão
Môi trường - Ngày đăng : 12:50, 10/09/2021
Theo dự báo, sáng 10/9, bão số 5 (bão Conson) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15km. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (ngày 10/9) từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. RRTT cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão số 5, từ 19h ngày 8/9 đến 19h ngày 9/9 ở khu vực đồng bằng Bắc Bô và Trung Bộ rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 50-90mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Xuân Thủy (Nam Định) 162mm; Đa Cốc (Thái Bình) 150mm; Tân Trường (Thanh Hóa) 117mm; Na Ngoi (Nghệ An) 159mm; Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 147mm; Tân Mỹ (Quảng Bình) 214mm; Ba Đông (Quảng Bình) 179mm.
Thông tin với báo chí sáng 10/9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, điều lo lắng nhất hiện nay là nếu bão Conson đổ bộ vào đất liền thì vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân ở khu vực đang có diễn biến dịch Covid-19 sẽ triển khai thế nào.
Đến nay, cơ quan phòng chống thiên tai cùng các địa phương đã xây dựng và tổng hợp số lượng từng thôn, bản, xã; từng tỉnh, huyện. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, theo dự báo sẽ có 6 tỉnh (29 huyện, thị xã) có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão Conson. Đây lại là khu vực đang có hơn 4.000 ca F0 cần phải được quan tâm. Đến nay, các địa phương này đã xây dựng được kịch bản sơ tán dân khi cần thiết.
“Như tại Nghệ An, nơi có số lượng các ca F0 ở khu vực ven biển tương đối lớn, địa phương đã sàng lọc và sẵn sàng cho phương án là lực lượng y tế xã sẽ đến xét nghiệm, tách riêng các ca F0 và đưa họ đến những khu độc lập ở các trường học và một số khu công trình công cộng khác, hầu hết các địa phương đang triển khai rất quyết liệt”- ông Trần Quang Hoài cho biết.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, đây là lần đầu tiên xuất hiện tình huống vừa chống dịch vừa chống thiên tai. “Chúng tôi đã xây dựng cuốn sổ tay về phòng chống Covid-19 trong điều kiện thiên tai xảy ra. Đồng thời liên hệ với Bộ Y tế đề nghị có hướng dẫn, có chỉ đạo, đôn đốc các địa phương. Đến nay, Bộ Y tế đã có hai văn bản hướng dẫn cho sở y tế ở các tỉnh, thành phố trong khu vực bão ảnh hưởng để lên phương án, kịch bản chi tiết”.
Theo đó, các địa phương đã lên các kịch bản cụ thể như “sàng lọc các trường hợp F0 như thế nào”, “di chuyển đến đâu, các điều kiện trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị F0 ra sao” và “làm sao không để lây nhiễm ra cộng đồng”... Những yếu tố này đã được đề cập với các địa phương, cũng như xây dựng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho các khu vực phải sơ tán.
Trước đó, ngày 9/9, Bộ Y tế đã ban hành công điện hướng dẫn các địa phương quy trình phòng dịch Covid-19 khi buộc phải sơ tán người dân tránh bão Conson. Ở các khu vực có nguy cơ cao nhiễm dịch Covid-19, cơ quan y tế phải làm xét nghiệm sàng lọc để tách F0 ra khỏi cộng đồng trước khi đưa người dân đến nơi sơ tán tập trung.