Taliban tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời theo đường lối cứng rắn

Chuyển động - Ngày đăng : 06:21, 08/09/2021

Taliban đã công bố thành lập một chính phủ lâm thời theo đường lối cứng rắn tại Afghanistan, với các vai trò chủ chốt do các thành viên của nhóm này và Mạng lưới Haqqani đảm nhiệm, CNN đưa tin.

Tối 7/9 (giờ Hà Nội), kênh CNN (Mỹ) dẫn công bố của người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid trong cuộc họp báo ở Kabul cho biết, ông Mullah Mohammad Hassan Akhund, một thành viên kỳ cựu của phong trào Taliban, người đứng đầu hội đồng lãnh đạo Taliban, đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng.

akhund.jpg
Ông Mullah Mohammad Hassan Akhund (giữa) được bổ nhiệm làm Thủ tướng chính phủ lâm thời tại Afghanistan. Ảnh: newsncr

Các nhân vật cấp cao của Taliban đã ủng hộ đề cử nhân sự này. Ông Hassan Akhund được coi là một nhân vật có tầm ảnh hưởng và được tôn trọng về mặt tôn giáo của phong trào Taliban, hơn là về mặt quân sự, theo CNN.

Trong khi đó, ông Mullah Abdul Ghani Baradar giữ chức Phó Thủ tướng. Ông Baradar là người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, người dẫn đầu phái đoàn Taliban trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar.

Được biết, ông Baradar từng là trợ lý cho cựu thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar- người từng ủng hộ Osama bin Laden dẫn đến việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Điều đặc biệt, hai nhân vật cấp cao trong Mạng lưới Haqqani, một nhóm có quan hệ với Taliban và al Qaeda, cũng sẽ tham gia chính phủ lâm thời do Taliban thành lập. CNN cho biết, cả hai đều đã bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Mỹ ra lệnh trừng phạt.

Cụ thể, người phát ngôn của Taliban thông báo, ông Sirajuddin Haqqani - lãnh đạo Mạng lưới Haqqani sẽ đảm nhiệm vai trò quyền Bộ trưởng Nội vụ. Haqqani là một trong hai phó thủ lĩnh của Taliban kể từ năm 2016 và bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trao giải thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin để bắt ông này.

Haqqani bị truy nã do liên quan đến vụ tấn công một khách sạn ở Kabul năm 2008, khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ. Haqqani cũng bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng Mỹ và liên quân tại Afghanistan. Ngoài ra, Haqqani bị cáo buộc âm mưu ám sát cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vào năm 2008.

Ngoài ra, Khalil Haqqani, chú của Sirajuddin, được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng về người tị nạn. Hai thành viên khác của Mạng lưới Haqqani cũng được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ lâm thời, CNN cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Phó thủ lĩnh khác của Taliban, Mullah Yaqoob, đã trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Yaqoob là con trai của Mullah Omar, người sáng lập Taliban, theo CNN.

Việc công bố các nhân vật chủ chốt trong chính phủ lâm thời được đưa ra vài tuần sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, đồng thời đưa ra những tuyên bố ban đầu về cách thức lãnh đạo đất nước. Al Jazeera nhận định những cái tên được nêu đều là “gương mặt cũ”; và không có dấu hiệu cho thấy nhân vật ngoài thành viên của Taliban được giữ vị trí cấp cao trong chính phủ lâm thời này.

“Chính phủ của chúng tôi sẽ không dựa trên sắc tộc. Chúng tôi sẽ không cho phép loại hình chính trị này”, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid nói. Thế nhưng, theo CNN, một thiếu sót đáng chú ý là không hề có một vị trí nào dành cho phụ nữ trong chính phủ lâm thời do Taliban thành lập. Ông Zabihullah sẽ chỉ nói rằng Taliban sẽ giải quyết vấn đề đó.

Các nhà lãnh đạo Taliban đã khẳng định một cách công khai rằng phụ nữ sẽ đóng một vai trò nổi bật trong xã hội ở Afghanistan và được tiếp cận với giáo dục. Nhưng họ đã không tham gia vào các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ.

Cùng ngày, một phát ngôn viên của Taliban, ông Suhail Shaheen tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này.

Ông Shaheen nêu rõ: "Trong chương mới nếu Mỹ muốn thiết lập quan hệ với chúng tôi, điều này là có thể vì lợi ích của cả hai nước và nhân dân hai nước. Mỹ cũng sẽ được hoan nghênh nếu muốn tham gia công cuộc tái thiết Afghanistan".

Ngoài ra, người phát ngôn này cũng tuyên bố Taliban sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel, song muốn duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng. Theo đó, Taliban muốn thiết lập quan hệ với tất cả các nước trong khu vực, các nước láng giềng cũng như các nước châu Á.

Nhật Minh