Vụ bị đâm tử vong khi đi vay tiền cùng bạn ở Thanh Hóa: Nhiều vấn đề cần làm rõ
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 06:32, 08/12/2017
Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa bị cáo Lê Văn Chín (SN 1990, thường trú thôn 4 xã Cán Khê, huyện Như Thanh; chỗ ở hiện nay thôn Trần, xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa) ra xét xử về tội Giết người.
Bị cáo Lê Văn Chín tại phiên tòa
Theo cáo trạng, khoảng 12 giờ 30, ngày 2/5/2017, Lê Xuân Hợp (SN 1988), trú tại phố Bắc Sơn, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) đến nhà anh Hồ Đức Tuấn (SN 1991, ở số 164 phố Trung Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) rủ đi vay tiền giúp mình. Anh Tuấn đồng ý, cả hai cùng đi taxi đến ngã tư Nguyễn Trãi giao với Trần Phú, Hợp xuống xe đi bộ tìm cửa hàng cho vay tiền, còn anh Tuấn đi xe taxi về uống bia ở quán “Sân cỏ Nhồi” đợi.
Đến khoảng 13giờ 30, anh Tuấn gọi điện cho Lê Văn Chín (quen biết nhau từ trước) tới quán bia. Chín đi xe máy đến uống bia cùng Tuấn. Sau đó, Tuấn gọi điện cho Lê Xuân Hợp đến nhờ Chín vay tiền hộ. Không vay được tiền, Hợp đi taxi đến quán bia gặp Tuấn và Chín. Tại đây, Chín hứa vay cho Hợp số tiền 30.000.000 đồng, rồi cả ba thống nhất lên quán cà phê – karaoke Thanh Trúc ở khu phố Xuân Lưu, thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn) hát, chờ Chín đi vay tiền.
Tại quán hát karaoke, Hợp đưa sổ hộ khẩu và chứng minh thư cho Chín đi vay tiền, còn mình và Tuấn ở lại quán để hát. Tới chiều, không thấy Chín quay lại nên cả hai dừng hát, đi xuống quầy lễ tân chờ Chín đến để lấy tiền thanh toán (khoảng 1.700.000 đồng). Khoảng 17 giờ 10, Chín quay lại nói với anh Tuấn và Hợp: “Không vay được tiền”, thấy vậy Tuấn nói: “không vay được thì nói lại, làm tao với Hợp ngồi chờ cả buổi chiều”.
Lúc này, anh Tuấn yêu cầu Chín trả giấy tờ cho anh Hợp và thanh toán tiền hát. Chín chỉ trả lại giấy tờ cho anh Hợp, hai bên đôi co với nhau về việc không có tiền để trả tiền hát. Sau đó, anh Tuấn và Hợp đến khu vực chòi uống cà phê ngồi và thống nhất, Hợp để lại điện thoại rồi về nhà vay tiền quay lại trả tiền hát. Chín đi theo rồi nói: “Thằng Tuấn về còn anh Hợp ở lại”, Tuấn nói lại: “Thôi mi im đi, tao lại đập cho mi cái điếu bây giờ”, Chín liền chửi lại: “Thằng Tuấn Hùng mi ngon mi đập đi”, Tuấn nói: “Thôi mi im mồm đi”. Chín dùng tay tát vào mặt Tuấn. Bị Chín tát, sẵn điếu cày trên tay Tuấn dùng đập vào người Chín, Chín dùng tay đỡ làm điếu bị vỡ. Lúc này, Chín lấy 1 con dao nhọn (loại dao gọt hoa quả, dài khoảng 20cm) trên bàn uống nước tại chòi uống cà phê và dồn anh Tuấn ra sân (trước quầy lễ tân), đâm 1 nhát trúng vào vùng ngực trái anh Tuấn khiến anh Tuấn chết trên đường đi cấp cứu.
Tại phiên tòa xét xử ngày 20/11/2017, do người thân bị hại liên tục gây mất trật tự và lớn tiếng chửi mắng nên Chủ tọa phiên tòa phải đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp can thiệp. Cuối cùng phiên tòa đã phải tạm dừng do không đảm bảo cho việc xét xử.
Luật sư Lê Huy Hải (Công ty Luật INDICAT, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay: Cơ quan điều tra và VKS đã có nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khách quan của vụ án và xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân Hồ Đức Tuấn. Cụ thể, CQĐT không thu thập được công cụ và phương tiện phạm tội là chứng cứ quan trọng đối với vụ án. Để chứng minh, ông Hải đưa ra chứng cứ, trong vụ án này, Lê Văn Chín đã dùng dao giết Hồ Đức Tuấn và dùng xe máy để bỏ trốn khỏi địa phương. Dao và xe máy là công cụ và phương tiện để thực hiện tội phạm và là chứng cứ quan trọng của vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư Liên tịch số 01/2010 nhưng CQĐT đã "không thu thập" và "không thu thập được" đầy đủ những chứng cứ nêu trên. Thiếu chứng cứ chứng minh những đặc điểm nhân thân của bị cáo, không khẳng định được bị cáo có hay không tiền án, tiền sự.
Đặc biệt, có dấu hiệu bỏ lọt tội "không tố giác tội phạm" đối với bà Lê Thị Sen. Trong vụ án này, bà Sen là người chứng kiến toàn bộ hành vi Chín giết Tuấn, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhưng bà Sen đã không tố giác với cơ quan chức năng nên có dấu hiệu bỏ lọt tội "Che giấu tội phạm" đối với bà Lê Thị Sen. Khi Hợp và Chín đưa Tuấn lên bệnh viện thì bà Sen đã “lấy nước và chổi quét sạch các vết máu”. Vết máu là chứng cứ vô cùng quan trọng vì nó cung cấp thông tin thời gian, địa điểm phạm tội, mức độ phạm tội, thậm chí số lượng máu có thể xác định được Tuấn đã chết tại quán karaoke hay chết trên đường đi cấp cứu.
Thêm nữa, Hợp là người có mặt trong suốt quá trình diễn ra vụ án từ khi chuẩn bị xảy ra, đang xảy ra và đã xảy ra, Hợp không bị cản trở bởi yếu tố khách quan khi thực hiện hành vi tố giác tội phạm nhưng Hợp không tố giác hành vi phạm tội của Chín với cơ quan chức năng. Hợp chỉ trình diện CQĐT khi có triệu tập. Như vậy, có dấu hiệu bỏ lọt tội "Che giấu tội phạm" đối với Lê Xuân Hợp.
Những hành vi của Hợp thỏa mãn dấu hiệu tội "Che giấu tội phạm"như: Khi anh Lê Văn Chung gọi điện cho Hợp thì Hợp nhờ anh Chung báo cho vợ Tuấn là “Tuấn bị tai nạn giao thông đang nằm bệnh viện Đông Sơn. Khi Hợp nhận lại chứng minh thư nhân dân của mình từ Chín , thay vì khuyên Chín ra đầu thú thì Hợp khuyên Chín “trốn đi nơi khác”. Khi Tuấn đã chết, Hợp về nhà (gấn nhà Tuấn) giặt áo của mình dính máu của Tuấn, mà không mang nộp cho CQĐT như một chứng cứ và dấu vết của vụ án.
Để làm rõ những nội dung nêu trên, đồng thời làm rõ tình tiết khách quan của vụ án để xét xử đúng người, đúng tội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, tại phiên tòa, luật sư Hải đã đề nghị HĐXX cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại trong tháng 12/2017.