Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đảm bảo an ninh biển
Chính trị - Ngày đăng : 08:02, 07/09/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Liên Hợp Quốc (UN) luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và đồng hành với Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tạo thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự hỗ trợ và tư vấn kịp thời, hiệu quả của Liên Hợp Quốc đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tiếp cận các nguồn viện trợ, tư vấn xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý, triển khai các chính sách xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; điều phối viện trợ, quản lý và huy động nguồn lực, giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực tài chính trong công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Các hoạt động hợp tác của Quốc hội với Liên hợp quốc tại khu vực đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ trực tiếp hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, góp phần nâng cao kỹ năng cho đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19; mong muốn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế sau đại dịch, đi đôi với khắc phục những tác động tiêu cực của COVID-19 đối với sinh kế của người dân.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục phát huy vai trò trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, hỗ trợ các nước, trong đó có Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự vì sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19 gây ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Liên Hợp quốc về phòng chống tội phạm và ma túy do bà Ghada Fathi Waly đồng thời là Giám đốc điều hành tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống các loại tội phạm mới như tội phạm mạng, tội phạm trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tài sản ảo…
Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại bà Áo Ghada Fathi Waly khẳng định cam kết của UN trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam; chiến lược hoạt động trong thời gian tới, UN chú trọng tăng cường hợp tác với nghị viện các nước, trong đó có Quốc hội Việt Nam. Hiện nay, UN đang triển khai hợp tác với nhiều Bộ, ngành của Việt Nam như: ngoại giao, ngân hàng nhà nước, tư pháp và đánh giá cao trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết trong việc thông qua Luật Phòng chống ma túy năm 2020, Văn phòng Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy đã đưa ra nhiều tư vấn và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đưa ra những chính sách, quy định sửa đổi Luật Phòng chống ma túy, mong muốn hợp tác với các trung tâm cai nghiện để tổ chức cai nghiện tại gia thành công.
Về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và phòng chống tội phạm, từ năm 2018, UN đã phối hợp với Việt Nam triển khai dự án hỗ trợ trẻ em gái bị bạo lực; hy vọng Việt Nam sớm tham gia mạng lưới phòng, chống tội phạm tại Đông Nam Á cũng như gia nhập Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…. ; hợp tác về an ninh mạng, phòng chống rửa tiền…
Bà Ghada Fathi Waly đánh giá cao và ủng hộ đề xuất của Việt Nam đưa ra tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về tăng cường an ninh biển lần đầu tiên được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tổ chức, về việc thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên Hợp Quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung và khẳng định UN sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đảm bảo an ninh biển.
Bà Ghada Fathi cho rằng UN và Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, tuy nhiên cần lựa chọn những lĩnh vực cấp bách để triển khai trước như trong các lĩnh vực trao quyền cho phụ nữ, xóa đói giảm nghèo, đề xuất thiết lập mô hình 3 bên LHQ- IPU – Việt Nam.
Cũng trong chiều 6/9, tại Thủ đô Vienna, Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krem, Tập đoàn WEFORYOU, Tập đoàn CHRISTOF System và một số Việt kiều đến trao tặng thiết bị, vật tư y tế.
Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krems- IMC Krems (1994) là một trường đại học tư thục của Áo, có các chương trình giảng dạy chuyên sâu về kinh doanh, số hóa và kỹ thuật, y tế và khoa học đời sống. Trường hiện có hàng nghìn sinh viên từ hơn 50 quốc gia. Krems có nhiều hoạt động hợp tác với nhiều trường đại học Việt Nam trong đào tạo và giảng dạy nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các hoạt động hợp tác của IMC Krems với các trường đại học và cơ sở đào tạo của Việt Nam; đề nghị IMC Krems tiếp tục nghiên cứu và tăng cường hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để đào tạo đội ngũ sinh viên trong những lĩnh vực trường có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như kinh doanh, số hóa và kỹ thuật, y tế và khoa học công nghệ…
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Christof Systems (thuộc Tập đoàn Christof Industries) Wolfgang Nestler cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, lắp ráp sản xuất và bảo trì các nhà máy công nghiệp với doanh thu năm 2020 đạt 332 triệu Euro. Christof Systems chuyên cung cấp các giải pháp và công nghệ xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải y tế, đồng thời cũng tham gia vào một số lĩnh vực liên quan đến năng lượng, chăm sóc sức khoẻ… Tại Việt Nam, Tập đoàn Christof Industries đã có các hoạt động hợp tác và cung cấp dịch vụ về y tế cho một số đối tác Việt Nam trong giai đoạn 2000-2006, tại trung tâm y tế Vietsovpetro, Bệnh viện 19/8… Lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn hợp tác với đối tác Việt Nam để triển khai các dự án xử lý chất thải y tế trực tiếp tại bệnh viện.
Đánh giá cao các giải pháp và sản phẩm của Christof Systems trong xử lý chất thải nói chung và y tế nói riêng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam luôn hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó hiệu quả kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; các mô hình xử lý rác thải chuyên ngành phù hợp bệnh viện tuyến huyện và hệ thống cơ sở ý tế xã. Đây là những vấn đề hiện nay Việt Nam rất quan tâm. Vì vậy, đề nghị Công ty trao đổi và làm việc với bộ ngành để được hướng dẫn cụ thể về việc tham gia các dự án xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, Tập đoàn WEFORYOU trao tặng Việt Nam 30 nghìn khẩu trang y tế N95, 10 nghìn bộ kit xét nghiệm kháng nguyên. Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Tập đoàn WEFORYOU đã dành tặng những vật phẩm thiết yếu cho Việt Nam chống dịch; đề nghị WEFORYOU phối hợp và trao đổi chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, bộ ngành hữu quan để triển khai dự án thành công và hiệu quả tại Việt Nam; trong đó nghiên cứu đầu tư sản xuất vật tư và trang thiết bị y tế tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tập đoàn, công ty cùng các đối tác nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời ủng hộ giúp đỡ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cũng trong chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp doanh nhân Trần Đăng Khoa, Việt kiều tại Đức và gia đình ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco trao tặng Việt Nam 1,2 triệu bộ kít xét nghiệm Covid- 19. Dịp này, ông Trần Đăng Khoa cũng vận động Chủ tịch Công ty ME Capital Menahem Esnhoren trao tặng Việt Nam 300 nghìn bộ kít xét nghiệm nhanh Covid – 19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và trân trọng cảm ơn nghĩa cử của các Việt kiều ở xa Tổ quốc nhưng luôn hướng về quê hương và bạn bè quốc tế đã dành tình cảm, sự hỗ trợ cho Việt Nam.