Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thi hành Hiến pháp
Chính trị - Ngày đăng : 19:46, 06/09/2021
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết. Các văn bản được ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; ngôn ngữ, kỹ thuật diễn đạt dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn.
Cùng với đó, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được các cơ quan quan tâm. Việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là văn bản tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Qua kiểm tra đã phát hiện, đề nghị xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo... Tuy tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đã từng bước được khắc phục nhưng đến nay, vẫn còn 8 văn bản chậm ban hành.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng và ban hành Đề án Định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó ưu tiên đưa các dự án luật thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; xác định và bổ sung nguồn kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật theo hướng là nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước; hằng năm, bổ sung nguồn kinh phí cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật...
Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh trong thời gian qua, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị được Chính phủ đưa ra. Một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng kết, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện pháp luật về giám sát, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung Chính phủ cần báo cáo theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết 67 của Quốc hội để làm cơ sở thẩm tra, xem xét, đánh giá, phục vụ Quốc hội giám sát tối cao về nội dung này.
Các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được thi hành nghiêm túc. Đặc biệt, Chính phủ cần đánh giá việc ban hành các văn bản quy định chi tiết được thực hiện theo quy trình rút gọn, làm rõ có thực sự là những văn bản cần ban hành ngay hay do công tác chuẩn bị không bảo đảm yêu cầu nên ban hành chậm bởi thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết (45 ngày từ ngày ký ban hành) được đưa ra nhằm giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, các cơ quan tổ chức thực hiện. Thực tế, việc một số văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với thời điểm ban hành hoặc ít hơn thời gian được quy định đã khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.