Nữ Chánh án không ngừng sáng tạo

Tòa án - Ngày đăng : 11:48, 05/09/2021

Là cán bộ tiêu biểu trong TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn, dù ở vị trí công tác nào, chị Hoàng Thị Thu Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan cũng luôn được đồng nghiệp nể phục bởi luôn tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng công việc . Trong những năm qua, bằng nỗ lực của mình, chị đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của TAND tỉnh, gặt hái nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Công tác tại TAND tỉnh từ tháng 10/2005, đến tháng 4/2014, chị Hoàng Thị Thu Hường (sinh năm 1982), được bổ nhiệm là Chánh Văn phòng TAND tỉnh. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, chị luôn thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chánh án TAND tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TAND hai cấp; lãnh đạo tập thể Văn phòng TAND tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Từ năm 2013 – 2019, tập thể Văn phòng TAND tỉnh liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và nhận Bằng khen của Chánh án TAND tối cao (2014, 2016, 2018), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018).

_nh-1.jpg
Chánh án TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn  Hoàng Thị Thu Hường

Bà Chu Lệ Hường, Chánh án TAND tỉnh cho biết, chị Hoàng Thị Thu Hường là cán bộ trẻ tiêu biểu có năng lực, nhiệt huyết, đặc biệt trong việc tìm tòi các giải pháp nâng cao chất lượng công việc. Từ năm 2015 đến nay, chị Hường đã chủ trì nghiên cứu 6 đề tài sáng kiến nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công việc. Trong đó, nhiều đề tài, sáng kiến được Hội đồng sáng kiến của TAND tỉnh đánh giá cao và ứng dụng trong thực hiện công tác của TAND hai cấp.

Đề tài khoa học “Triển khai ứng dụng hệ thống hội nghị trực tuyến (HNTT) trong TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn” là một trong những đề tài tiêu biểu do chị Hường chủ trì. Năm 2016, chị cùng các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu và đề xuất triển khai hệ thống  HNTT giữa TAND tỉnh với TAND 11 huyện, thành phố qua hệ thống V-meeting. Sau khi đề tài được nghiệm thu, TAND tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống HNTT cho các đơn vị TAND hai cấp và duy trì quán triệt văn bản đầu giờ sáng thứ 2, 3, 4 hằng tuần; tổ chức họp giao ban và họp đột xuất bằng hình thức trực tuyến.

Việc thực hiện hệ thống HNTT đã duy trì thường xuyên công tác giao ban, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng công tác. TAND tỉnh Lạng Sơn cũng là một trong những đơn vị đi đầu của hệ thống TAND cả nước trong việc ứng dụng hệ thống HNTT. Trên cơ sở thành công của hệ thống truyền hình HNTT tại Lạng Sơn, TAND tối cao đã kết nối mở rộng hệ thống HNTT từ TAND tối cao đến tất cả các đơn vị TAND cấp huyện trong cả nước.

_nh-2.png
Chánh án Hoàng Thị Thu Hường làm Chủ tọa trong một phiên tòa xét xử

Với nhiều thành tích đáng ghi nhận, tháng 4/2019, chị  Hường được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Văn Quan. Chị Lương Thị Bích, Chánh Văn phòng TAND huyện Văn Quan cho biết, đồng chí Hường là lãnh đạo rất tận tâm với công việc, nắm chắc mọi mặt hoạt động của đơn vị. Đối với những việc có vướng mắc, đồng chí đều tìm ra hướng giải quyết nhanh chóng, kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ, công chức trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kể từ khi chị Hường giữ vai trò Chánh án, hằng năm, TAND huyện Văn Quan luôn đạt tỷ lệ giải quyết án 100%; 10 tháng đầu năm 2021, đơn vị giải quyết 132/141 vụ việc và là một trong các đơn vị dẫn đầu TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn về tiến độ và chất lượng công tác. Năm 2019, 2020, tập thể đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được tặng Bằng khen của Chánh án TAND tối cao năm 2020.

Ngoài công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị, chị đã trực tiếp tham gia giải quyết, xét xử nhiều vụ việc. Từ tháng 4/2019 đến 31/7/2021, chị đã giải quyết 211/213 vụ việc các loại, đạt tỉ lệ giải quyết 99,1%. Tỉ lệ giải quyết án trung bình đạt 6,8 vụ/tháng. Trong số 211 vụ, việc đã giải quyết không có việc kết án oan, bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định và án kéo dài, không có vụ việc nào bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.

Chị Hường cho biết: “Tôi luôn mong muốn được chia sẻ và cùng trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân đã tìm hiểu và đúc rút trong quá trình công tác với đồng nghiệp, để qua đó, chúng tôi sẽ tìm ra được phương pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc”. Do đó, ngoài chủ trì các đề tài sáng kiến, với kinh nghiệm và nghiên cứu của bản thân, tôi còn trực tiếp viết nhiều tài liệu chuyên đề như: Kỹ năng tổ chức công tác xét xử của Chánh án TAND cấp huyện, kỹ năng phát hiện sai sót trong giải quyết các vụ án dân sự,… Các  tài liệu chuyên đề này được sử dụng và trao đổi trong các cuộc hội thảo, tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ TAND các huyện, thành phố để ứng dụng vào thực tiễn công tác.

Sáng tạo không ngừng, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng trong các mặt công tác của TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2014 đến 2020, chị đã được tặng thưởng 9 Bằng khen của Chánh án TAND tối cao, Chủ tịch UBND tỉnh, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích  xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân.


Tuấn Phong